Mỗi khi nhớ lại hành trình đồng hành cùng con gái tìm lại âm thanh của cuộc sống, bà Chử Thị Thanh Hương không giấu nổi những giọt nước mắt. Đối với bà, đó là hành trình dài đầy gian nan, nhưng cũng khiến bà hạnh phúc đến vỡ oà vì những thành quả ngọt ngào.
Lần đầu nghe con gọi 2 tiếng “mẹ ơi", khoảnh khắc con được đến trường và có bạn bè, hay con vẽ lên những ước mơ của chính mình - với một người mẹ có con bị khiếm thính, thật khó để diễn ra được cảm xúc hạnh phúc đặc biệt này.
“Khi phát hiện ra Hồng Anh bị khiếm thính là lúc con gần 2 tuổi. Hành trình bên con có rất nhiều cảm xúc. Từ sốc, thất vọng, bi quan, sau đó chấp nhận thực tại và phải đủ bản lĩnh để vượt lên trên cú sốc đó, đi tìm phương pháp đồng hành cùng con” - bà Thanh Hương kể lại.
Bà Hương cho biết, quá trình đồng hành cùng Hồng Anh gặp muôn vàn khó khăn. Năm 2008, phương pháp hỗ trợ cho trẻ bị khiếm thính ở Việt Nam còn chưa có nhiều nguồn thông tin. Phải mất 3 năm tìm hiểu, bà Hương lần đầu đưa con sang Singapore với niềm hy vọng có thể tìm được cách khắc phục cho con. Thế nhưng, đây cũng là lúc bà gặp phải cú sốc tiếp theo khi biết, con đã qua thời điểm vàng để phát triển ngôn ngữ. Để Hồng Anh nghe nói được như các bạn bằng độ tuổi là rất khó và thực sự phải chạy đua với thời gian.
“Các bác sĩ nói một bên tai của con không nghe được thiết bị trợ thính. Phương pháp tốt nhất là cấy điện cực ốc tai, nhưng chi phí lên tới 100.000 USD - đó là một số tiền nằm ngoài khả năng của tôi khi đó. Không có nhiều thời gian để ở lại Singapore, tôi quyết định mua thiết bị trợ thính cho bên tai còn lại của con” - bà Hương tâm sự.
Trở về Việt Nam, bà Hương quyết định nghỉ công việc mình yêu thích với tương lai rộng mở để dành toàn bộ thời gian đồng hành cùng con. Những tưởng những tháng ngày êm đẹp sẽ kéo dài, Hồng Anh có thể đi học và hoà nhập như các bạn khác. Nhưng một lần nữa, như một sự an bài của số phận, Hồng Anh đột ngột bị điếc một bên tai phải. Ngay lúc đó, bà Hương biết rằng bản thân không thể chần chừ, bằng mọi giá bà phải cho con mình đi cấy điện cực ốc tai.
Bà Hương tâm sự: “Tỉ lệ thành công của ca phẫu thuật chỉ có 50%, nên tôi vô cùng lo lắng. Sau khi phẫu thuật xong, tôi phải chờ đợi 1 tháng trước khi máy được kích hoạt. 1 tháng ấy với tôi vô cùng dài, như đứng trên đống lửa. Thật may, điều kì diệu đã đến khi con thích ứng với máy rất tốt".
Hiện tại, Nguyễn Hồng Anh (SN 2006) đang theo học tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Hà Nội chuyên ngành Hội hoạ (hệ trung cấp). Từ những trải nghiệm cùng con, chính bản thân bà Hương cũng đã có sự thay đổi rõ rệt: “Từ khi có Hồng Anh nhân sinh quan của tôi đã thay đổi rất nhiều. Tôi muốn giúp đỡ những đứa trẻ, những gia đình có những đứa trẻ như con tôi. Đây cũng là lý do để tôi thành lập VNAP HLC và sau này còn có cả She+. Tôi rất cảm ơn cô con gái thứ hai này bởi khi đồng hành cùng con đi tìm lại âm thanh, tôi đã ngộ ra được giá trị của sự cho đi”.
Hiện tại, cả VNAP HLC và She+ đều đang hoạt động tích cực và đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp cho rất nhiều phụ huynh có con bị khiếm thính.
Bà Bành Thị Thuỷ - Thành viên tại VNAP HLC chia sẻ: “Trước khi tham gia VNAP HLC, tôi đã biết đến câu chuyện đồng hành cùng con gái của chị Hương. Câu chuyện đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến tôi và khiến tôi quyết tâm tham gia hội. Nhờ có mọi người ở đây, tôi đã có thêm nhiều kiến thức để đồng hành cùng cháu mình, rất may mắn khi cháu đã ngày càng tự tin và có thể hòa nhập cộng đồng".
Theo báo cáo thường niên, đến nay She+ đã cùng với VNAP HLC kêu gọi quyên góp tặng hơn 50 thiết bị trợ thính cho trẻ khiếm thính thuộc gia cảnh khó khăn tại Việt Nam; các chương trình trao học bổng ngày tựu trường cho hàng trăm trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động thực tế nhằm giúp trẻ khuyết tật cải thiện kỹ năng sống và giao tiếp.
SHE+ đã kêu gọi để hỗ trợ các thành viên VNAP HLC trong mùa dịch như: Lớp trị liệu ngôn ngữ online (hỗ trợ các trẻ khiếm thính có gia cảnh khó khăn hơn 200 tiết học trị liệu ngôn ngữ) chương trình này đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng kiến trong mùa dịch; tặng khẩu trang cho các trường dạy trẻ khuyết tật tại Khánh Hoà- Quảng Bình- Hà Nội- Bắc Ninh.
Những sản phẩm thủ công xinh đẹp được chính tay những bạn trẻ bị khiếm thính làm ra.
Đặc biệt một số nhân sự chính của VNAP HLC cũng là thành viên của She+ đã tham gia tích cực các dự án về Quyền Trẻ em khuyết tật để trở thành tập huấn viên của chương trình. Từ đây, họ còn tiếp tục tập huấn cho các thành viên của mình ngoài phạm vi của dự án như: Lâm Đồng- Dak Lak- Thái Nguyên- Thừa Thiên Huế- Hậu Giang.
SHE+ đã hỗ trợ tổ chức nhiều lớp hướng nghiệp giúp cho các thành viên Hội, mang lại tác động tích cực sự thúc đẩy niềm tin và gia tăng sự lựa chọn nghề phù hợp với người khuyết tật hướng đến đích có việc làm và sống độc lập cho người khiếm thính đến tuổi trưởng thành.
Gần đây nhất, VNAP HLC đã kêu gọi kết nối tổ chức hoạt động giao lưu trải nghiệm, tặng quà tết cho học sinh toàn Trường Chuyên Biệt Bình Minh (Đông Anh, Hà Nội) năm 2023 và 5 trường hợp có gia cảnh khó khăn năm 2024 tổng giá trị hơn 200.000.000 đồng.
Các sự kiện dành cho các bạn trẻ bị khiếm thính vẫn luôn được VNAP HLC và She+ tổ chức đều đặn hàng năm.
Dù đã đạt được những thành công nhất định, song bà Chử Thị Thanh Hương vẫn luôn đau đáu để VNAP HLC và She+ có thể phát triển bền vững: “Sau 1 trận ốm rất nặng, tôi mới bắt đầu nghĩ nếu có chuyện gì xảy ra với tôi thì cộng đồng này sẽ đi về đâu. Đó là lí do mà tôi đã thành lập She+. Tôi sẽ cố gắng đồng hành, phát triển cùng nó để sau này khi đã nghỉ hưu hay dù tôi không còn trên cõi đời này nữa, thì bất kì một ai đó tiếp quản doanh nghiệp này sẽ tiếp tục sứ mệnh và mục tiêu để hỗ trợ cho cộng đồng người khiếm thính Việt Nam”.