Dân Việt

Các ngân hàng ngoại đang làm ăn thế nào ở Việt Nam?

Nguyên Minh 07/05/2024 10:09 GMT+7
Không nhiều ngân hàng ngoại công bố báo cáo tài chính đầy đủ, song nhiều thông tin cũng đã được hé lộ về tình hình kinh doanh của các nhà băng này tại Việt Nam.

Ngân hàng lớn lãi tăng, có nơi thu nhập nhân viên cao ngất ngưởng

Là một trong những ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam, HSBC Vietnam sử dụng phần lớn tài sản của mình để gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, khoản mục này đã giảm mạnh từ 110.224 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 74.823 tỷ năm 2023. Do đó, tổng tài sản ngân hàng cũng giảm 17%, còn 164.100 tỷ đồng. Hoạt động cho vay khách hàng duy trì ổn định, chỉ tăng nhẹ khoảng 5% trong năm 2023.

Ở hoạt động huy động, tiền gửi của khách hàng lại giảm mạnh. HSBC Việt Nam ghi nhận tiền gửi khách hàng cuối năm 2023 đạt 135.877 tỷ đồng, giảm 22%.

Về kết quả kinh doanh, năm 2023 thu nhập lãi thuần được cải thiện mạnh mẽ, đạt 7.965 tỷ đồng, tăng đến 58% so với năm trước. Đây cũng là động lực chính giúp lợi nhuận trước thuế tăng 40%, đạt 6.513 tỷ đồng.

Lợi nhuận cải thiện, thu nhập nhân viên cũng tăng trưởng theo. Ngân hàng ngoại này năm 2023 đã chi 1.111 tỷ đồng để trả cho cán bộ nhân viên. Trung bình năm 2023, mỗi nhân viên của HSBC Việt Nam nhận 844 triệu đồng, tương đương hơn 70 triệu đồng/tháng, tăng cao hơn thu nhập trung bình năm 2022 (65 triệu đồng/người/tháng).

Còn tại ngân hàng vốn Hàn Quốc Shinhan Vietnam, năm 2023 đã có sự đẩy mạnh ráo riết trong hoạt động cho vay. Dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng khá mạnh trong năm vừa qua, đạt 106.236 tỷ đồng, tăng 21%. Nhờ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần của ngân hàng ngoại này tăng trưởng tốt (+26%), đạt 8.223 tỷ đồng, đưa lợi nhuận trước thuế ngân hàng trong cả năm 2023 đạt 5.651 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.

Tuy nhiên trong khi cho vay gia tăng thì tiền gửi của khách hàng tại Shinhan lại giảm đáng kể. Tiền gửi của khách hàng cuối năm 2023 còn 124.732 tỷ đồng, giảm 6%.

Cuối năm 2023 Shinhan Vietnam có tổng tài sản đạt 170.734 tỷ đồng, giảm hơn 6.000 tỷ so với năm trước. Được biết, Shinhan Việt Nam đã có đại diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện từ những năm 1993.

Cũng là nhà băng ngoại có lịch sử lâu đời tại Việt Nam, Public Bank Việt Nam hiện có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2023 ghi nhận 49.326 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.

Hoạt động của Public Bank khá bình ổn qua từng năm. Hoạt động cho vay vẫn duy trì tương đương năm trước, dư nợ cho vay cuối năm 2023 đạt 26.191 tỷ đồng, tăng nhẹ 5%. Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng lại gia tăng đáng kể. Nợ xấu cuối 2023 của Public Bank Việt Nam tăng đến 84% so với đầu năm, đưa tỷ lệ Nợ xấu/Dư nợ cho vay của nhà băng này tăng từ 1,92% lên 3,36% cuối năm 2023.

Trong khi đó, Public Bank lại thu hút khách hàng ở khoản mục tiền gửi. Tính đến 31/12/2023, tiền gửi khách hàng ở mức 21.341 tỷ đồng, tăng thêm 16%, trong đó Tiền gửi có kỳ hạn chiếm 17.415 tỷ đồng và tăng 21% so với năm trước. Phần lớn tiền gửi tại Public Bank đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (38%), tiền gửi cá nhân (39,5%) và các doanh nghiệp tư nhân (chiếm khoảng 19%).

Về kết quả kinh doanh, năm 2023 Public Bank đạt 1.481 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 30%. Tuy nhiên chi phí hoạt động tăng cùng việc tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm nhẹ 5%, còn 546 tỷ đồng.

Các ngân hàng ngoại đang làm ăn thế nào ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Số liệu: Báo cáo các ngân hàng năm 2023

Ngân hàng nhỏ vẫn đang thua lỗ

Ở quy mô vốn nhỏ hơn, hoạt động tại Việt Nam của CIMB vẫn đang khá chật vật. Ngân hàng đã lỗ liên tục trong nhiều năm nay và năm 2023 đang tiếp tục kéo dài thời gian thua lỗ này.

Dù thu nhập lãi thuần tăng đến 76% trong năm 2023, đạt 356 tỷ đồng thì vẫn không gánh được các mảng hoạt động thua lỗ khác của CIMB Việt Nam như lỗ thuần từ hoạt động dịch vụ (-28,9 tỷ), lỗ từ kinh doanh ngoại hối (-68,9 tỷ). Sau khi trừ đi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, CIMB Việt Nam lỗ 124,9 tỷ đồng trong năm 2023. Trước đó trong năm 2022, ngân hàng lỗ hơn 194 tỷ.

Với khoản lỗ này, hạng mục lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán đã lên đến 822,9 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của ngân hàng chỉ ở mức 3.923 tỷ đồng.

Ở nhóm các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, ngân hàng từ Thái Lan Kasikornbank chi nhánh TP.HCM (KBank) cũng công bố báo cáo tài chính 2023 với kết quả không mấy tích cực.

Năm 2023, thu nhập lãi thuần của KBank tăng vọt, đạt 380 tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm 2022, tuy nhiên chi phí hoạt động cũng tăng và cao vượt thu nhập hoạt động dẫn đến việc ngân hàng thua lỗ. KBank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 10 lần năm trước, do đó Tổng lỗ trước thuế của chi nhánh ngân hàng này năm 2023 là 177 tỷ đồng, lớn hơn khoản lỗ 54 tỷ đồng năm trước.

Trên thực tế, KBank đang đẩy mạnh các hoạt động tại cho vay lẫn huy động của ngân hàng. Sau khi vốn điều lệ được cấp đã tăng lên 6.620 tỷ đồng trong năm 2023 (năm 2022 là 1.811 tỷ) thì nguồn lực tài chính đổ về cho chi nhánh KBank tại Việt Nam cũng đã tăng mạnh.

Cho vay khách hàng cuối năm 2023 ở mức 7.286 tỷ đồng, gấp 3,6 lần năm 2022. Tiền gửi vào các tổ chức tín dụng khác cũng tăng từ 2.734 tỷ đồng đầu năm 2023 lên 9.551 tỷ đồng cuối năm. Nhờ đó, tổng tài sản của KBank tăng chóng mặt, từ 5.395 tỷ đồng lên 18.685 tỷ đồng trong vòng 1 năm.

Tiền gửi khách hàng cũng được hút vào mạnh hơn. Tính đến 31/12/2023, tiền gửi của khách hàng tại đây đã tăng 268%, đạt 2.604 tỷ đồng.

Tính đến 31/03/2024, có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam gồm ANZ Việt Nam, Hong Leong VietNam, HSBC Vietnam, Shinhan Vietnam, Standard Chartered Việt Nam, Pubic Bank Vietnam, CIMB Vietnam, Woori Vietnam và UOB Vietnam. Trong đó, UOB Vietnam có vốn điều lệ lớn nhất (8.000 tỷ đồng), tiếp theo là HSBC và Woori khi vốn trên 7.000 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó điểm danh những chi nhánh có vốn điều lệ lớn nhất gồm Kasikornbank chi nhánh TP.HCM (6.620,9 tỷ đồng), Ngân hàng Sumitomo Mitsui chi nhánh Hà Nội (7.514 tỷ đồng) và Bangkok TP.HCM (6.688 tỷ đồng).