Dân Việt

Một nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vũ Thượng 08/05/2024 14:16 GMT+7
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định ghi danh nghề thủ công làm cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề cói Kim Sơn đang giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động những lúc nông nhàn, nâng cao thu nhập đối với huyện nông thôn mới.

Giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động

Ngày 8/5, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Một nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 1.

Nghề cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) vừa được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia. Ảnh: Vũ Thượng

Theo ông Hải, nghề cói Kim Sơn là nghề thủ công truyền thống được hình thành nhiều đời nay. Hiện nay, nghề cói Kim Sơn giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động những lúc nông nhàn. Ngoài ra, còn đóng góp khoảng 90% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng năm của huyện.

Ông Hải thông tin thêm, các sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần rất lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 2.

Đa dạng các sản phẩm từ cây cói. Ảnh: Vũ Thượng

Qua đó, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các sản phẩm cói Kim Sơn đa dạng về mẫu mã, màu sắc với nhiều loại như: Thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách...

Nâng cao đời sống nông thôn

Qua tìm hiểu, nghề cói Kim Sơn chỉ là nghề phụ, nhưng nhờ chịu thương chịu khó đang giúp người dân ở huyện Kim Sơn có thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông. Qua đó, đã có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao đời sống nông thôn, đạt tiêu chí thu nhập đối với huyện nông thôn mới.

Một nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 3.

Sản phẩm hình chiếc nơm để trang trí trong nhà được làm từ cây cói. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Phan Thị Ngoãn (xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn) chia sẻ: "Gia đình tôi sản xuất và chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây cói hơn 10 năm. Nghề đan cói cũng là nghề truyền thống của quê hương huyện Kim Sơn chúng tôi".

"Nghề đan các hộp, đĩa, nơm…từ cây cói này cũng không khó, trẻ nhỏ hay người có tuổi cũng có thể làm được. Mỗi khi có mẫu hàng mới tôi chỉ dạy, hướng dẫn khoảng 2 ngày là mọi người quen công việc và làm rất đẹp nên khách hàng lúc nào cũng khen ngợi", bà Ngoãn cho biết.

Một nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 4.

Nghề cói được xem là nghề phụ nhưng trở thành thu nhập chính đối với nhiều người dân Kim Sơn. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (xóm An Cư 2, xã Thượng Kiệm) kể: "Ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, nhiều chị em xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn) thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan các sản phẩm từ cây cói. Nếu người nào đan nhanh ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng là bình thường".

Được biết đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình đang sở hữu 7 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Hoa Lư, Nghệ thuật hát Xẩm, Lễ hội làng Bình Hải, Nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, Nghề thủ công truyền thống nghề thêu-ren Ninh Hải, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường và Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn.