Những kiến thức Toán cần nhớ khi thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2024
Kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 được đánh giá là kỳ thi vô cùng căng thẳng khi số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập khoảng 81.200 học sinh, tuyển vào các trường THPT tư thục, trung tâm GDNN - GDTX, cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 51.800 học sinh. Như vậy, gần 40% học sinh Hà Nội sẽ không có lựa chọn vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025.
Trước kỳ thi áp lực, cạnh tranh này, trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Bùi Thị Phương Dung, giáo viên Toán Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội đã có những tư vấn giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất kiến thức, tâm lý để bước vào kỳ thi lớp 10 trong giai đoạn nước rút. Cô Phương Dung từng giành HCV Olympic Toán toàn quốc và có kinh nghiệm ôn thi lớp 10 nhiều năm.
Trước hết, nhận xét đề minh họa môn toán 2024, cô Dung cho hay: Cấu trúc định dạng đề môn Toán với 72,5% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu; 27,5% câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao. Cấu trúc đề thi minh họa đảm bảo kiểm tra được các kiến thức cơ bản cũng như để phân loại học sinh giỏi trong khoảng thời gian giới hạn 120 phút.
Từ đề minh họa năm nay và những đề thi năm trước, học sinh lưu ý những nội dung trọng tâm cần nằm vững như sau:
- Biểu thức đại số:
+ Tính giá trị biểu thức đại số;
+ Rút gọn biểu thức đại số;
+ Tìm Giá trị lớn nhất - Giá trị nhỏ nhất, tìm x thỏa mãn điều kiện cho trước ( thỏa mãn 1 phương trình, bất phương trình). Tìm x , tìm x nguyên để biểu thức nhận giá trị nguyên.
- Ứng dụng toán học vào thực tế
+ Giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình.
+ Các khối hình trong không gian: Hình trụ, hình nón, hình cầu
- Hệ phương trình bậc nhất hai ẩn
- Hàm số bậc nhất, hàm số bậc hai: Phương trình bậc hai, tương giao của đường thẳng và parabol, hệ thức Viet và ứng dụng.
- Phần hình học: Tam giác đồng dạng, hệ thức lượng trong tam giác vuông, đường tròn, vị trí tương đối của đường thẳng với đường tròn, góc với đường tròn, tứ giác nội tiếp.
- Bất đẳng thức, phương trình vô tỉ: Giải phương trình vô tỉ, bài toán chứng minh bất đẳng thức, tìm Giá trị lớn nhất, Giá trị nhỏ nhất.
Thí sinh lưu ý: Các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao (ứng dụng hệ thức Vi-et, ý cuối bài hình, bất đẳng thức; phương trình vô tỉ,..) học sinh nên sưu tầm các dạng câu hỏi lạ ở các nguồn tài liệu: Trong các kỳ thi thử của các trường, các sở để làm, tránh bỡ ngỡ.
Tính toán sai do cẩu thả, thiếu điều kiện hoặc không so lại điều kiện để mất hoặc dư nghiệm. Đọc sai hoặc thiếu ý của đề, trình bày vắn tắt, không đủ bước làm, chữ viết khó đọc, vẽ hình sai, vẽ thiếu nét hoặc thiếu tên điểm.
Cách khắc phục lỗi sai khi làm bài thi:
Chuẩn bị dụng cụ đầy đủ bút viết, thước, compa, thước đo độ,… để vẽ hình chính xác.
- Khi bắt đầu tính giờ làm bài các con đọc đề cẩn thận, đánh dấu các câu dễ, quen thuộc, gạch các từ khóa quan trọng, câu dễ làm trước, khó làm sau.
- Làm sớm bài hình, không làm trễ quá dễ lúng túng vẽ sai hình.
- Câu nào không làm được trọn vẹn nhưng có ý gì đúng, các con cứ viết ra, có thể trong đáp án có để được điểm ý đó.
- Sau khi làm bài xong (cả khi chưa kịp các câu khó) vẫn nên dành thời gian dò lại những câu đã làm được trước khi nộp bài.
- Cùng với đó, khi bắt đầu làm bài, học sinh cần cố gắng đọc thật kỹ đề để tránh hiện tượng nhầm hướng giải cho bài toán. Chẳng hạn, với dạng bài toán rút gọn, các em thường dễ nhầm lẫn cách làm ý cuối vì không đọc kỹ đầu bài. Ví dụ: Bài toán tìm x để P nguyên, nhưng các con không đọc kĩ sẽ nhầm hướng giải sang bài tìm x nguyên để P nguyên.
- Để tránh sai sót nhiều trong bài nguyên tắc là: Làm đến đâu kiểm tra đến đó. Xong 1 bài phải kiểm tra ngay bài đó. Trước khi nộp bài cần kiểm tra lại lần nữa.
Chỉ còn 1 tháng nữa học sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm 2024, cô Phương Dung nhắn nhủ: Các em cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt, luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.
- Có kế hoạch học tập khoa học, rõ ràng: Lập kế hoạch học tập từng ngày, từng giờ, từng môn, từng chủ đề, nội dung môn học.
- Xác định rõ nội dung trọng tâm của từng môn học. Lên kế hoạch ôn tập cho từng nội dung.
- Luyện đề thi vào 10 rất quan trọng và cần thiết, có thể hệ thống lại các kiến thức đã học, làm quen với các dạng toán khác nhau, rèn luyện trình bày, tránh mắc các sai lầm. Từ đó tìm cách làm bài thi hiệu quả nhất cho mình.Tìm ra những ý nào làm được chăc chắn, các ý hay bị sai thì luyện thêm nhiều lần. Phân bố thời gian hợp lý là bí quyết để có một bài làm tốt, không nên quá sa đà vào một câu nào đó, dành nhiều thời gian hơn cho những câu chiếm trọng số điểm lớn.
- Một điều rất quan trọng nữa là cần xác định mục tiêu về điểm số từ đó đưa ra các chiến lược học tập cho các nội dung phù hợp. Không nên quá tập trung vào các câu khó, chủ quan không ôn chắc các kiến thức cơ bản, rất dễ mất điểm do trình bày cẩu thả, sai lầm.
Chúc các em chuẩn bị ôn thi và tham dự kỳ thi thật tốt!