Dân Việt

Động thái của Công ty Phú Son sau khi bị tố không uy tín khi bán trái phiếu

Đình Việt 11/05/2024 13:53 GMT+7
"Trái chủ" hy vọng Công ty Phú Son, Ngân hàng N., Công ty chứng khoán Everest phải có phương án dứt điểm, nói phải thực hiện vì từ trước tới giờ các bên liên quan đã gửi rất nhiều văn bản nhưng không thực hiện.

Hội nghị người sở hữu trái phiếu không được thông qua

Ngày 22/3, Báo điện tử Dân Việt đăng tải bài viết: "Mua trái phiếu Công ty Phú Son qua giới thiệu của ngân hàng, nhiều "trái chủ" điêu đứng".

Bài viết phản ánh, qua giới thiệu của nhân viên Ngân hàng N., nhiều người đã mua trái phiếu do Công ty Cổ phần đầu tư nông nghiệp sạch Phú Son (Công ty Phú Son), địa chỉ tại thôn Phú Son, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam phát hành. Thế nhưng, đã quá hạn nhận lãi, "trái chủ" không nhận được quyền lợi như cam kết.

Động thái của Công ty Phú Son sau khi bị tố không uy tín khi bán trái phiếu- Ảnh 1.

Các "trái chủ" mua trái phiếu của Công ty Phú Son qua giới thiệu của Ngân hàng N. và giờ phải đi cầu cứu khắp nơi. Ảnh: Đình Việt.

Sau khi Dân Việt đăng tải các bài viết, Công ty Phú Son đã gửi đến các trái chủ tờ trình và phiếu lấy ý kiến để tổ chức hội nghị người sở hữu trái phiếu nhằm mục đích thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo.

Về diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc, ngày 6/5, Công ty Phú Son đã gửi "trái chủ" biên bản kiểm phiếu biểu quyết lấy ý kiến hội nghị người sở hữu trái phiếu.

Theo đó, nội dung lấy ý kiến phương án xử lý tài sản đảm bảo không được thông qua do số % tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành tán thành không đủ theo quy định, chỉ đạt 43,9%. Vì vậy, nghị quyết hội nghị người sở hữu trái phiếu theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản không được thông qua.

Sau thông tin này, các trái chủ cho rằng, việc lấy ý kiến này đang có phần mập mờ. Bởi, ngày 8/4, Công ty Phú Son gửi tờ trình và phiếu lấy ý kiến về việc tổ chức hội nghị "trái chủ" nhưng trong biên bản kiểm phiếu biểu quyết ngày 6/5, công ty này lại lấy kết quả phiếu mà "trái chủ" đã gửi cho công ty trước 0h00 ngày 30/10/2023.

Ở một diễn biến khác, ngay trong ngày 6/5, sau khi thông báo về việc hội người sở hữu trái phiếu không được thông qua, Công ty Phú Son tiếp tục gửi cho "trái chủ" văn bản lấy ý kiến về việc đồng thuận thanh toán nợ trái phiếu.

Trong văn bản này, Công ty Phú Son cho biết, họ và Công ty cổ phần quản lý và mua bán nợ Inter Capital đã có thỏa thuận trong việc xử lý, hỗ trợ giúp thanh toán nợ trái phiếu theo 2 phương án.

Thứ nhất, số nợ gốc sẽ được chia đều thanh toán trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 15/5, mỗi tháng thanh toán một kì trong thời hạn từ ngày 15-20 hàng tháng. Còn số tiền lãi sẽ được thanh toán 3 tháng/lần và bắt đầu kì thanh toán vào ngày 1/9.

Thứ hai, thanh toán toàn bộ nợ gốc trong thời hạn 6 tháng và chia ra làm 6 kì thanh toán, kì đầu tiên bắt đầu từ ngày 15/5 và mỗi tháng thanh toán một kì trong thời hạn từ ngày 15-20 hàng tháng. Nhưng "trái chủ" phải hỗ trợ công ty bằng việc miễn, không yêu cầu thanh toán toàn bộ lãi trái phiếu phát sinh cho đến thời điểm hiện tại.

"Đề nghị Công ty Phú Son, Ngân hàng N., Công ty chứng khoán Everest phải có phương án dứt điểm, nói phải thực hiện vì từ trước tới giờ các bên liên quan đã gửi cho chúng tôi rất nhiều văn bản, nhưng đều gửi kiểu để xoa dịu, cho có chứ thực tế không thực hiện" – một "trái chủ" bức xúc.

Bộ Công an đề nghị cấm xuất cảnh chủ doanh nghiệp né trách nhiệm

Liên quan đến vụ việc này, theo tìm hiểu của PV Dân Việt, 5 trong số 7 tài sản đảm bảo lô trái phiếu PAICH2124001 của Công ty Phú Son đều là các biệt thự nghỉ dưỡng thuộc sở hữu của ông Vũ Văn Ban đứng tên tại dự án Khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resorts & Hotels, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Được biết, chủ đầu tư của Dự án Khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resorts & Hotels là Công ty TNHH đầu tư Cam Lâm.

Đây chính là công ty đã phát hành trái phiếu và cũng đang chậm thanh toán gốc lãi cho "trái chủ" mà Báo điện tử Dân Việt phản ánh trong bài viết "Trái chủ bị bội tín vì mua trái phiếu Công ty Cam Lâm qua giới thiệu của ngân hàng", đăng ngày 12/4 vừa qua.

Trong khi đó, mới đây, Bộ Tài chính đã có Báo cáo số 3209 gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024.

Trong báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ đã tiếp nhận 32 đơn tố cáo, kiến nghị phản ánh của 12 vụ việc liên quan đến trái phiếu.

Ngoài ra, còn một số đơn thư, phản ánh liên quan đến việc công dân đến các ngân hàng gửi tiết kiệm bị cán bộ ngân hàng tư vấn mập mờ chuyển thành mua trái phiếu doanh nghiệp, đến nay vẫn chưa được thanh toán gốc và lãi khi đã quá hạn thanh toán. Trong đó có Ngân hàng N.

Bộ Tài chính cũng gửi lãnh đạo Chính phủ tình hình tài chính của 102 doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn năm 2024. Công ty TNHH đầu tư Cam Lâm và Công ty Phú Son có tên trong danh sách nêu trên. Đồng thời, gửi Bộ Công an danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Ngoài ra, Bộ Tài chính khẳng định, đang tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và nhóm doanh nghiệp khó khăn trong thanh toán nợ trái phiếu đến hạn.

Bộ này yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên mọi nguồn lực, có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu theo hợp đồng đã kí kết và đảm bảo an ninh trật tự.

"Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu, trường hợp cần thiết chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật. Tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin cho Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi, trái phiếu" – báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Trước đó, hồi tháng 11/2023, Bộ Công an có văn bản kiến nghị nhiều giải pháp để ổn định, minh bạch thị trường trái phiếu. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm việc với một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đến cùng với trái chủ.

Doanh nghiệp nào cố tình né trách nhiệm hoặc không đưa ra phương án thanh toán với những trái phiếu đến hạn, cần lập danh sách, phối hợp với Bộ Công an để cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp hoặc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài...