Dân Việt

Nắng nóng kỷ lục ở Đắk Lắk, bệnh nhân tâm thần nhập viện tăng cao

Công Nam 13/05/2024 13:00 GMT+7
Nắng nóng kéo dài tại Đắk Lắk trong suốt mấy tháng qua khiến số người tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần liên tục gia tăng. Các y bác sĩ khuyến cáo hạn chế để người bị bệnh tâm thần tiếp xúc với nắng nóng, nhiệt độ cao.

Hơn 1 tháng nay, chị H.L.N ở xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư Mgar liên tục phải chăm con đang điều trị bệnh tại Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. Con chị H.L.N bị bại não từ nhỏ, nhờ uống thuốc đều nên tình trạng bệnh của cháu ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài, khiến bệnh của cháu trở nặng, thường xuyên lên cơn co giật và mê sảng.

Nắng nóng kỷ lục ở Đắk Lắk, bệnh nhân tâm thần nhập viện tăng cao- Ảnh 1.

Bệnh nhân tâm thần nhập viện tăng cao do nắng nóng kéo dài.

"Mấy ngày nay nắng nóng quá, mặc dù uống thuốc thường xuyên nhưng cháu vẫn bị co giật ngày 3 đến 4 lần. Nắng nóng, người bình thường như mình còn thấy khó chịu, nói gì đến các cháu bị bệnh" - chị H.L.N nói.

Cũng đang điều trị tại Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk là bệnh nhân N.Đ.L, sinh năm 2000, ở xã Trung Hòa, huyện Cư Kuin. Theo bà N.T.Q , mẹ của bệnh nhân, cách đây 5 năm, do áp lực công việc, N.Đ.L bị bệnh động kinh và đã được điều trị. 

Mấy năm qua, N.Đ.L vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, N.Đ.L không uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, cộng thêm trời nắng nóng khiến bệnh tái phát và phải chuyển lên bệnh viện để điều trị.

"Thời tiết nắng nóng quá nên tình trạng co giật, mê sảng nhiều hơn. Tôi đưa cháu vào nhập viện, sau khi Bác sĩ chích thuốc cho cháu thấy cháu ngủ được một lúc, nhưng vẫn chưa đỡ, vẫn còn mê sảng."- Bà N.T.Q than thở.

Nắng nóng kỷ lục ở Đắk Lắk, bệnh nhân tâm thần nhập viện tăng cao- Ảnh 2.

Khi thấy các triệu chứng như ăn uống kém, mất ngủ, bứt rứt, mất kiểm soát người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị sớm, tránh trường hợp gây ra hành động nguy hiểm.

Theo thống kê của Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận, điều trị cho hơn 100 lượt bệnh nhân, tăng khoảng 20% so với trước đó.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Khám – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk cho biết, những bệnh nhân phát bệnh trong thời điểm này chủ yếu là bị tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc… Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng kích động, hoang tưởng, ảo giác, quậy phá, la hét…

"Để hạn chế tình trạng tái phát bệnh ở bệnh nhân tâm thần, người nhà cần thường xuyên quan tâm tới người bệnh. Khi thấy các triệu chứng như ăn uống kém, mất ngủ, bứt rứt, mất kiểm soát người nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị sớm, tránh trường hợp gây ra hành động nguy hiểm. Với những bệnh nhân đi làm được thì tránh những thời điểm nắng nóng quá mức, không tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao" - Bác sĩ Nguyễn Thị Bé khuyến cáo.

Nắng nóng kỷ lục ở Đắk Lắk, bệnh nhân tâm thần nhập viện tăng cao- Ảnh 3.

Các y bác sĩ khuyến cáo hạn chế để người bị bệnh tâm thần tiếp xúc với nắng nóng, nhiệt độ cao.

Theo Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng do thời tiết nắng nóng, nhiều áp lực cuộc sống, công việc, stress ... Hơn nữa, biểu hiện của các bệnh lý tâm thần rất đa dạng, không phải chỉ điên loạn, nói nhảm, la hét, loạn thần, khi cười, khi khóc… mà còn nhiều dấu hiệu khác, bao gồm cả mất ngủ, suy nhược thần kinh; tâm trạng buồn rầu, bi quan, mất tự tin.

Bác sĩ La Đức Cương thông tin thêm: "Hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần vẫn còn lệch lạc, nhiều người nghe đến rối loạn tâm thần chỉ nghĩ đến bệnh điên, thần kinh… Trong khi đó, có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Vì vậy, còn có hiện tượng giấu bệnh, không đi khám, điều trị".