Tuốt một loại hạt trên cây dây leo, nông dân Đắk Lắk hễ nói bán là khối người mua

Thứ hai, ngày 06/05/2024 12:47 PM (GMT+7)
Thời điểm này, khắp các thôn, buôn trên địa bàn huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đâu đâu cũng thấy không khí tất bật, nhộn nhịp của bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu.
Bình luận 0

Ngay từ sáng sớm, ông Vũ Đình Khôi (thôn 6, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã “đánh” chiếc xe công nông, chở theo 8 nhân công vào vườn tiêu để thu hái. 

Trên đường cũng có rất nhiều người và phương tiện như xe công nông, xe ba gác, xe máy nối đuôi nhau di chuyển, tập kết các vật dụng về những vườn tiêu đã chín rộ chờ thu hoạch.

Theo ông Khôi, để công tác thu hái diễn ra nhanh và tiết kiệm được thời gian, gia đình ông phải tranh thủ ra vườn từ sớm lượm nhặt tiêu và rải bạt sẵn cho nhân công thu hái. 

Mỗi ngày, một công lao động hái được từ 5 - 10 trụ tiêu, với sản lượng khoảng 80 - 120 kg tiêu tươi. 

Vì vậy, với diện tích hơn 1,2 ha của gia đình, ông thường xuyên động viên, bồi dưỡng thêm cho nhân công để đẩy nhanh tiến độ thu hái, với mong muốn giữa tháng ba này sẽ thu hoạch xong, tránh tình trạng thời tiết xấu gây ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu.

Thoăn thoắt hái từng chùm tiêu chín đỏ, ông Hoàng Thế Hải (thôn 8, xã Ea Tiêu) phấn khởi cho biết, năm nay, giá hồ tiêu lên khá cao, năng suất của vườn nhà tương đối ổn định, gia đình ông khấp khởi mừng. Hiện ông đang tận dụng tối đa nhân lực trong gia đình và thuê thêm nhân công để kịp thu hái cho 8 sào tiêu của mình. 

Tuốt một loại hạt trên cây dây leo, nông dân Đắk Lắk hễ nói bán là khối người mua- Ảnh 2.

Người dân trồng tiêu trên địa bàn Đắk Lắk đóng bao để vận chuyển tiêu về nhà sau một ngày thu hái.

Trung bình giá nhân công thuê hái tiêu là 250.000 đồng/người/ngày hoặc hái khoán dao động trong khoảng 3.200 - 3.500 đồng/kg tiêu tươi (tùy thuộc vào địa hình, sản lượng mà giá hái khoán sẽ thay đổi). 

Mặc dù chi phí thuê nhân công hái tiêu và đầu tư tăng cao nhưng với giá tiêu bán trên dưới 95.000 đồng/kg, người trồng tiêu đã có lãi để tái đầu tư cho vụ mùa năm sau.

Giống như nhiều hộ trồng hồ tiêu, những ngày này, gia đình ông Vũ Đình Tú (thôn 8, xã Ea Ning) một trong những hộ có nhiều năm gắn bó với cây hồ tiêu, không khí thu hoạch diễn ra khẩn trương, từ chủ vườn đến nhân công đều lộ rõ niềm vui. 

Ông Tú không giấu được sự vui mừng khi năm nay giá hồ tiêu tăng ngay từ đầu vụ, khiến gia đình ông yên tâm hơn hẳn khi đầu tư và phát triển bền vững loại cây trồng này. 

“Với diện tích gần 1 ha, gia đình tôi thu về khoảng 3 tấn tiêu, dự kiến sau khi trừ chi phí sẽ lãi hơn 200 triệu đồng. 

Năm nay, ngoài việc giá tiêu liên tục tăng thì việc tìm kiếm nhân công thu hái cũng dễ dàng hơn năm ngoái, giá thuê ổn định nên bà con nông dân càng vui hơn”, ông Tú vui vẻ nói.

Huyện Cư Kuin là vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh, với diện tích gần 4.667 ha, trong đó diện tích hồ tiêu kinh doanh là 4.125 ha. 

Bên cạnh cây cà phê, hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. 

Vụ tiêu năm 2024, năng suất bình quân toàn huyện dự kiến đạt khoảng 3,2 tấn/ha, ước sản lượng khoảng 13.000 tấn. 

Trên địa bàn huyện, cây hồ tiêu được trồng chủ yếu ở hai xã Ea Ning và Ea Bhốk tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cũng như các chương trình liên quan đến cây hồ tiêu. 

Đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 1 hợp tác xã sản xuất hồ tiêu hữu cơ, với diện tích 30 ha; 2 tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu bền vững, với diện tích 20 ha; 2 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, với diện tích 25 ha.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin Nguyễn Cảnh Danh cho biết, thời gian cao điểm thu hoạch hồ tiêu diễn ra vào khoảng tháng hai, tháng ba hằng năm. 

Trong quá trình thu hoạch, người dân luôn ưu tiên thu hái những chùm quả chín nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của vườn cây. Sau thu hoạch, bà con nông dân chủ yếu sử dụng hình thức phơi sấy tự nhiên là chính, ít có hộ sử dụng lò sấy. 

Quá trình tiêu thụ, các hộ dân chủ yếu bán cho người thu gom hoặc các cơ sở thu mua trên địa bàn huyện, với sản phẩm chính vẫn là hạt tiêu đen. Hiện nay toàn huyện có khoảng 50 hộ thu gom và gần 20 cơ sở thu mua hồ tiêu tập trung ở các khu vực có diện tích hồ tiêu tương đối lớn của huyện.

Thúy Nga (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem