Cú điện thoại của TBT Mai Nhung không chỉ là lời mời hấp dẫn mà mặc nhiên, còn đẩy tôi vào thế viết hàng tuần thể loại mà khi đó tôi chưa mạnh, thể tản văn (tùy bút ngắn). Đắn đo và đắn đo. Tôi đang giữ mục Tư vấn gia đình cho tờ NNVN, thêm một mục ở NTNN, nghĩa là hai nách hai con mọn, tôi xoay xở nổi không?
Tản mạn hồn quê ra đời, từ 13/10/2004. Năm ấy tôi 48 tuổi, tự thấy chín văn chương, vừa viết xong "Miệt vườn xa lắm", đang trớn muốn viết một tiểu thuyết dài. Nhưng, như một lời cam kết không văn bản, khi báo chừa cho tôi một góc mỗi tuần, nghĩa là bệ phóng luôn sẵn, chỉ cần đạn lên nòng nữa là xong. Một nữ TBT biết cách thăm hỏi động viên, một đội ngũ biên tập a lô không sót cữ nào và nhuận bút phải nói là đều đặn thắm tươi, tôi chỉ có tiến chứ không lùi được.
Hồn quê ư, nghĩ đến là lòng chùng xuống, rưng rưng, nghe cái hồn ấy bao phủ trong mỗi bước đường làm báo và viết văn mà tôi đã trải, từ chiến tranh ra, cho đến sau này, rong ruổi khắp các miền Tổ quốc, biên cương và cả giàn khoan khơi xa. Hồn quê, đây các bạn, một bóng dừa nhìn từ cuộc chiến dưới bóng thốt nốt của nước láng giềng; mùa hoa gạo mà tôi gọi là hoa-đàn-bà; hay tiếng chèo khuya, dáng cha ngồi, đèn đáy trong đêm, nồi canh nhút, chuyến xe thổ mộ, ánh lửa chiều cuối năm…
Giờ liệt kê lại, tôi không khỏi bồi hồi, sao làng quê mình, nông thôn mình, phố phường mình sâu bền gốc rễ vậy không biết. Tôi thả sợi dây lòng xuống, lòng tôi hình như có vô vàn mối dây, sự mẫn cảm của tôi lưu giữ như quặng như vỉa, chạm vào là nó rung lên và chữ nghĩa hiện ra.
Hai năm trời, 100 bài viết, tôi cũng không ngờ cái uy của Mai Nhung và cái tình của tòa báo đã tôi "kéo lê" tôi được như vậy. Văn ôn võ luyện, viết tản văn hàng tuần để trái tim mình rộng mở, lòng mình mềm mại và chữ nghĩa dạt dào hơn. Nghe phản hồi rằng, "Tản mạn hồn quê" là cái mục mà bạn đọc thích, rất thích.
Tôi đóng mục ở bài thứ 100 và nguyên vẹn những bài ấy trên NTNN, tôi gộp lại cho NXB Phụ nữ in thành sách (quý II/2007). Tết năm đó, Báo NTNN dùng sách làm quà cho chiến sĩ Trường Sa. Tôi nhớ bạn phóng viên đi Trường Sa lần đó đã khuân 50 cuốn sách đến nhà tôi để tôi ghi ký tặng, 50 câu đề tặng không câu nào giống câu nào. Và bạn phóng viên về sau cho biết, ấy là món quà tinh thần, quà văn hóa, quà nhiều xúc cảm, rất nhiều xúc cảm cho lính biển dịp ấy.
Sau này Báo NTNN đặt nhà văn Nguyễn Quang Thân - chồng tôi giữ mục trên báo hàng tuần nữa, hàng chục năm giữ mục cho đến khi anh ấy qua đời. Tết năm nào cả vợ chồng tôi cũng đều được báo đặt bài và chăm sóc tươm tất. Cái tình ấy, kéo dài từ Mai Nhung đến Lưu Quang Định, không, ấy không chỉ là cái tình, sâu xa còn là nghĩa cử văn hóa biết người biết ta, chiêu hiền đãi sĩ. Sau này, khi đã về Sài Gòn sống, tôi vẫn tiếp tục viết tản văn, đã có thêm mấy đầu sách tản văn nữa. Nhưng, những "Tản mạn hồn quê" vẫn là một dấu ấn, một dấu mốc và là một đầu sách đẹp tinh khôi, đẹp nhất trong ký ức và hành trình viết báo bằng thể tùy bút của tôi. Mãi đẹp và đáng yêu cái quãng ban đầu ấy các bạn ạ, mãi yêu.