40 năm Báo Nông thôn Ngày nay: Sức nặng sau mỗi bài báo chở niềm vui, nỗi buồn của nông dân
40 năm Báo Nông thôn Ngày nay: Sức nặng sau mỗi bài báo chở niềm vui, nỗi buồn của nông dân
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 07/05/2024 08:00 AM (GMT+7)
Trong suốt 40 năm qua, Báo Nông thôn Ngày nay/báo Điện tử Dân Việt đã góp nhiều tiếng nói đứng về phía quyền lợi của người nông dân, thực hiện đúng chức năng phản biện xã hội của báo chí. Những bài báo cũng góp phần giúp các ngành chức năng điều chỉnh các chính sách, giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.
LỜI TOÀ SOẠN: Đúng ngày này 40 năm trước (7/5/1984), tờ tin "Nông dân mới" số 1 được xuất bản, ngay trước thềm Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp nông dân tập thể toàn quốc lần thứ nhất, theo Giấy phép xuất bản 77/XBNT, in tại Nhà in Báo Nhân Dân. Đó cũng chính là số đầu tiên của Báo Nông thôn Ngày nay – cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sau này.
Từ câu chuyện “gánh nặng thuế phí”
Ngày 9/4/2007, số liệu điều tra của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (nay là Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ NNPTNT) về các khoản đóng góp của người nông dân đã lập tức được những nhà báo rất gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Báo NTNN chú ý. Tòa soạn đã hội ý nhanh và xác định đây là một đề tài thiết thực, liên quan tới hàng chục triệu nông dân nên cần phải triển khai ngay.
Cả tòa soạn, các văn phòng lúc đó “sôi sùng sục”, và loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” đã ra đời, gây tiếng vang và chấn động lớn khi lần lượt bóc tách những khoản phí, lệ phí mà nông dân ở nhiều địa phương phải gánh.
Loạt bài sau đó đoạt giải A Giải báo chí quốc gia, nhưng điều có ý nghĩa hơn với những nhà báo Nông thôn Ngày nay là “đôi vai” của người nông dân đã bớt nặng hơn bởi ngày 16/5/2007, sau khi chuyên đề “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” kết thúc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154 miễn toàn bộ thuỷ lợi phí cho nông dân.
Ngày 17/10/2007, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ bỏ 340 loại phí và lệ phí thu sai, trong đó có hàng chục khoản thu mà nông dân phải đóng. Với những người làm báo, có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất.
Tiếp tục đứng về phía quyền lợi của người nông dân, năm 2013, loạt bài: “Nặng gánh nông thôn mới” của báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt cũng để lại nhiều dấu ấn. Loạt bài được triển khai bởi trên thực tế, bên cạnh các mặt tích cực, sau 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực, điển hình là tình trạng lạm thu các khoản phí, lệ phí...
Thực tế này đang khiến bà con nông dân thêm nặng gánh; thậm chí ở nhiều nơi, người dân đã tỏ ra bất bình, bức xúc với cách làm của chính quyền địa phương. Phí làm đường, phí xây nhà văn hóa, phí đồng ruộng..., có nơi mỗi khẩu phải đóng hàng chục khoản phí, với mức đóng lên tới 8 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới (NTM) - thực tế đó đã làm người dân kiệt sức.
Để triển khai loạt bài này, nhóm Phóng viên Ban Hội và Tam nông đã thực hiện khảo sát, lắng nghe tiếng nói của nông dân ở nhiều địa phương. Bà con ai cũng đồng tình với chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, góp tiền để hoàn thiện các công trình. Nhưng có nhiều nơi tình trạng lạm thu, bổ đầu người đã khiến không ít nông dân thêm gánh nặng.
Sau loạt bài, ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, một trong những tác giả xây dựng đề án Chương trình nông thôn mới (NTM) khẳng định, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, cũng như của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM là không khuyến khích việc thu tiền mặt của dân để xây dựng NTM và cần phải rà soát lại ngay các khoản thu của dân.
Sau những phản ánh của báo chí, trong đó có Báo NTNN, ngày 13/8/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu: Việc xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích. Việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của Nhà nước và đóng góp của nhân dân.
Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân...
Vui buồn cùng nông dân sau mỗi mùa vụ
Không chỉ phản ánh những bất cập, tồn tại trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, các phóng viên của Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt còn luôn đồng hành, chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn của người nông dân. Những bài viết khách quan của báo đã ít nhiều giúp nông dân vơi bớt khó khăn trong quá trình tiêu thụ nông sản.
Còn nhớ năm 2018, khi hình ảnh những trái thanh long Bình Thuận bị vứt chỏng chơ ven đường, thậm chí cho bò ăn… xuất hiện trên các trang mạng xã hội, một số trang tin và tờ báo, giá thanh long khi đó đã giảm lại tiếp tục rớt không phanh. Tin đồn "Trung Quốc không ăn hàng" thêm một lần nữa khiến sự vất vả, khó khăn của nông dân tăng lên gấp bội.
Ngay sau đó, phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã thực hiện phỏng vấn “nóng” Bộ trưởng Bộ NNPTNT khi đó là ông Nguyễn Xuân Cường.
Qua báo điện tử Dân Việt, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã khẳng định: “Thanh long giá rẻ chủ yếu là loại có phẩm cấp, chất lượng kém, còn sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có giá tốt và thị trường tiêu thụ ổn định. Mọi hoạt động xuất khẩu vẫn bình thường, còn giá giảm chính là do nông dân đã không đo được những cơn sóng của thị trường mà chong đèn quá sớm, khiến sản lượng thanh long tăng đột biến”.
Cũng trong năm 2018, xuất hiện một clip người đàn ông ném từng túm vải thiều xuống sông trong cơn bực tức vì giá giảm, không ai mua trong thời điểm mùa vải thiều ở Bắc Giang đang thu hoạch rộ. Ngay lập tức, giá vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã bị tác động.
Lập tức phóng viên Báo Dân Việt vào cuộc tìm hiểu và nhận định: Không hề có chuyện vải thiều Bắc Giang giá rẻ chỉ 10.000 đồng/3kg, và cũng không hề có chuyện vải thiều bị vứt bỏ hàng loạt như trong clip.
Từ thông tin phản ánh của Dân Việt sau clip đó, ngành chức năng vào cuộc tìm hiểu thì được biết, vải của người đàn ông đó không bán được vì quả nhỏ, bị sâu cuống. Người nông dân đăng clip cũng đã xin lỗi vì không lường trước được hành động của mình đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải của nông dân.
Tháng 3/2020, trước nhu cầu của các thị trường quá cao do tâm lý tích trữ phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 buộc Chính phủ, ngành chức năng phải tạm ngừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại nguồn cung trong nước, một bước đi thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.
Xác định tiềm năng sản xuất lúa gạo của Việt Nam rất lớn, NTNN/Dân Việt đã vào cuộc lấy ý kiến của các bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp về sự lớn mạnh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ngay sau khi xác định được nguồn cung đủ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Chính phủ đã cho phép xuất khẩu trở lại từ 1/5 để đón "sóng" thị trường. Năm đó, bất chấp dịch Covid-19, xuất khẩu gạo của Việt Nam thắng lớn.
Thận trọng khi phản ánh về tình hình giá cả nông sản, đồng hành cùng niềm vui, nỗi buồn sau mỗi mùa vụ của nông dân, đã và sẽ là phương châm của NTNN/Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.