Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc sử dụng bóng cười để hít là nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và thần kinh của người sử dụng.
Việc kinh doanh bóng cười tại các cơ sở kinh doanh quán bar, vũ trường, karaoke là trái pháp luật, tuy nhiên chế tài xử lý hiện nay chưa đủ mạnh nên hiện hành vi vi phạm về bóng cười diễn ra khá phổ biến trong xã hội.
Mặc dù bóng cười không có lợi cho sức khỏe, có tính chất gây nghiện tuy nhiên hiện nay, bóng cười, khí N2O không có trong danh mục các chất ma túy ở Việt Nam nên việc xử lý vẫn thiếu tính răn đe.
Ông Cường cho biết, Điều 6 Luật Đầu tư quy định, các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh hiện nay bao gồm: Kinh doanh các chất ma túy; Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; Kinh doanh mại dâm; Kinh doanh pháo nổ… và không cấm kinh doanh mặt hàng chứa hóa chất N2O.
Tuy nhiên, khí N2O có trong bóng cười thuộc danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh quy định Phụ lục 2 Nghị định 82/2022/NĐ-CP. Chỉ có những đơn vị được cấp phép mới được sản xuất kinh doanh loại hóa chất này.
Như vậy, theo quy định hiện nay, bóng cười không phải là ma túy, cơ sở kinh doanh nếu vi phạm chỉ bị xử phạt về hành vi kinh doanh đối với hàng hóa bị hạn chế kinh doanh mà không có đăng ký. Mức phạt từ 20 đến 25 triệu đồng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP.
"Có lẽ biết trước chế tài xử phạt chỉ đến 25 triệu đồng nên các cơ sở kinh doanh vẫn cố tình bán bóng cười để thu hút khách đến sử dụng dịch vụ" – ông Cường nêu quan điểm và cho biết nhận thấy mối nguy hiểm, các địa phương, trong đó có Hà Nội đã cấm sử dụng khí NO2 vào mục đích vui chơi giải trí.