Bác sĩ bị tấm kính rơi vào người tại cửa hàng The Coffee House có thể được bồi thường như nào?

Phi Long Thứ tư, ngày 15/05/2024 06:14 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh trả lời vấn đề này dưới góc độ pháp lý này.
Bình luận 0

Vụ việc bác sĩ Hoàng Minh Lý (29 tuổi, công tác tại Bệnh viện K Tân Triều) gặp nạn khi đi uống cà phê cùng bạn bè tại cửa hàng The Coffee House trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) tối 20/4 đã khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, việc bồi thường thiệt hại như thế nào là vấn đề thắc mắc của nhiều cộng đông mạng.

Bác sĩ bị tấm kính rơi vào người tại cửa hàng The Coffee House có thể được bồi thường như nào?- Ảnh 1.

Bác sĩ Lý bị tấm kính rơi vào người có thể được bồi thường những khoản gì?

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết: Căn cứ Điều 605 Bộ luật dân sự 2015" Điều 605 về Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra:

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường."

Đồng thời Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường hợp đồng khi có đủ các yếu tố: có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; có thiệt hại thực tế xảy ra; và có mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi xâm phạm. Ngoài ra, để có cơ sở yêu cầu bồi thường thì cần phải làm rõ việc tấm kính rơi có phải là sự kiện bất khả kháng không, có yếu tố lỗi hay không dẫn đến thiệt hại cho bác sĩ Lý.

Theo Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, "sự kiện bất khả kháng" là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trường hợp thứ nhất, nếu toàn bộ quá trình thi công, lắp dựng, nghiệm thu, quản lý, vận hành được thực hiện đảm bảo đầy đủ các quy tắc hành chính và kỹ thuật, tấm kính rơi xuống là sự kiện bất khả kháng do tình hình thời tiết, chủ tòa nhà hoặc đơn vị giao quản lý đã làm mọi cách để hạn chế nhưng thiệt hại đáng tiếc vẫn xảy ra, thì có thể coi đây là "sự kiện bất khả kháng".

Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự cũng quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, đối với trường hợp này, nếu tấm kính rơi xuống là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước, không thể khắc phục dù các bên liên quan đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì theo pháp luật các đơn vị liên quan không phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu gia đình và các bên liên quan có thỏa thuận khác về việc bồi thường, thỏa thuận này vẫn sẽ được pháp luật ghi nhận.

Trường hợp thứ hai, nếu xác định có yếu tố lỗi dẫn tới việc tấm kính rơi xuống, không phải là sự kiện bất khả kháng và làm bác sĩ Lý bị tổn thương nghiêm trọng, các bên có lỗi sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho nữ bác sĩ trong phạm vi lỗi của mình gây ra.

Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định 02/2022/NQ-HĐTP, bác sĩ Lý sẽ được bồi thường thiệt hại các khoản tiền do sức khỏe bị xâm phạm như:

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút, bao gồm: Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở; Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;và các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút: mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút,…

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có); Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị

Nếu nạn nhân bị mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc được xác định 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại

Và các thiệt hại khác do pháp luật quy định.

Ngoài ra, còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần bị xâm phạm: mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa là không quá 50 lần mức lương cơ sở.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, vụ việc này được dự luận đặc biệt quan tâm nên có thể cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc điều tra cụ thể lỗi thuộc về cá nhân, tổ chức nào để có thể đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

Ngoài việc bồi thường dân sự, nếu xét thấy có dấu hiệu hình sự, cơ quan chức năng có thể sẽ khởi tố vụ án để điều tra làm rõ sự việc này theo quy định của pháp luật.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem