Chi phí bị đội lên cao vẫn chưa dám tiêm vaccine
Là một doanh nghiệp chăn nuôi lợn khá lớn ở khu vực miền Trung, đến nay đơn vị này đang nuôi hàng chục nghìn lợn nái, giống, thịt. Ông Hoàng Minh, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi, hiện chi phí phòng chống dịch, an toàn sinh học của đơn vị đã bị đội lên cao hơn rất nhiều. Trung bình mỗi kg lợn hơi bị đội chi phí thêm khoảng 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg nhưng đơn vị vẫn phải chấp nhận để bảo vệ đàn vật nuôi tại các trại.
"So với chi phí tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, chi phí an toàn sinh học của đơn vị có thể cao hơn nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì hiện vaccine vẫn còn mới và nhà nước, doanh nghiệp sản xuất vaccine vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ rủi ro để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi", ông Minh nói.
Ông Minh cho biết thêm, từ khi xuất hiện đại dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp đã đưa ra quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt hơn trước. Đơn cử như việc sử dụng công nhân làm việc tại các trại cũng được kiểm soát nghiêm hơn.
Khi được doanh nghiệp tuyển dụng, các công nhân, cán bộ kỹ thuật tại trại đều phải sinh hoạt, làm việc tại trại. Khi ra vào các vùng khác nhau trong chuồng đều phải sát trùng, tắm rửa sạch tuyệt đối. Khi công nhân nghỉ phép trở lại làm việc cũng sẽ được bố trí vào phòng cách lý 48 giờ, thay quần áo, các vận dụng đều được xử lý cẩn thận, kỹ lưỡng trước khi vào lại chuồng nuôi.
"Chúng tôi xây dụng quy trình chăn nuôi lợn bằng ba vùng riêng biệt: Vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ. Đối với mỗi vùng chúng tôi đưa ra các quy định khác nhau để kiểm soát dịch. Đối với côn trùng, vật thể trung gian truyền bệnh dịch, công ty cũng xây dựng các hàng rào, lưới chắn phù hợp và phun thuốc, sát trùng thường xuyên để ngăn chặn tuyệt đối không cho muỗi, ruồi, chuột... vào trại", ông Minh tiết lộ.
Theo ông Minh, hiện nay, đơn vị của ông đã chủ động được việc sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ đàn lợn hàng chục nghìn con tại trang trại. Đối với mặt hàng thuốc thú y, doanh nghiệp lựa chọn hợp tác với các đơn vị sản xuất thuốc uy tín trong và ngoài nước để chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho đàn lợn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông Minh còn dùng công nghệ cao để lọc nước sạch cung cấp cho vật nuôi tại trại sử dụng an toàn. Đối với nguồn nước thải, đơn vị đưa vào hệ thống tuần hoàn và xử lý bằng công nghệ mới giúp kiểm soát, đảm bảo môi trường tốt nhất.
Cùng trong tình trạng thấp thỏm lo lắng với ông Minh, ông Trương Bình, đại diện HTX đang chăn nuôi trên dưới 5.000 đầu lợn ở ngoại thành Hà Nội cho biết, đơn vị của ông vẫn đang "cố thủ" với dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Bình, dù Nhà nước đã cho tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi mới nhưng đến giờ ông vẫn chưa dám sử dụng sản phẩm vaccine mới cho đàn lợn của mình.
Được biết, một số bạn "đồng nghiệp" của ông Bình đã từng mua và sử dụng vaccine dịch tả trôi nổi trên thị trường và giờ vẫn đang phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề.
Phải có cơ chế hỗ trợ phù hợp
Nói thêm với Dân Việt, ông Hoàng Minh, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở khu vực miền Trung cho rằng, khi nghe thông tin các doanh nghiệp trong nước có thể nghiên cứu và sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi lợn đều rất vui mừng và tự hào. Tuy nhiên, để sản phẩm mới đưa vào sử dụng rộng rãi, bà con rất mong các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp có bước nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng và minh bạch, độc lập để khi đưa vaccine mới ra thị trường có chất lượng tốt nhất để người dân yên tâm sử dụng.
"Vấn đề về thuốc thú y, nhất là vaccine phòng bệnh, đây là các sản phẩm rất quan trọng, lá chắn bảo vệ đàn vật nuôi nên bà con rất quan tâm. Chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay bất cứ sức ép nào mà nên để thị trường tự điều tiết, người dân tự nguyện quyết định sử dụng sản phẩm mới cho đàn lợn của mình", ông Minh kiến nghị.
Ông Trương Bình cho biết thêm, trước sức ép của dịch tả lợn châu Phi, không chỉ ông mà người chăn nuôi lợn cả nước đều có nhu cầu mua, sử dụng vaccne mới để bảo vệ đàn lợn của mình. Tuy vậy, đến nay, bà con đều chưa rõ về giá vaccine và nhà nước, doanh nghiệp chua có cơ chế, chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm nên bà con còn rất băn khoăn.
"Để đưa vaccine mới vào sử dụng rộng rãi, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn ở địa phương, nhất là với các hệ thống thú y cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát người dân sử dụng vaccine đúng cách để hạn chế rủi ro. Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhà nước cần sớm đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ các trại phòng tránh rủi ro sau tiêm vaccine", ông Bình đề nghị thêm.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho hay: Ngay từ đầu việc chỉ đạo nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi được Bộ NNPTNT phối hợp với Mỹ thực hiện rất nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của Tổ chức Thú ý thế giới.
Để đưa vắc xin lưu hành thương mại, Việt Nam mất hơn 3 năm nghiên cứu. Đến tháng 7/2023, qua nhiều lần thử nghiệm thành công và phê duyệt kỹ lưỡng, Bộ NNPTNT mới cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi để tiêm phòng trên cả nước.