Mỗi ngôi nhà cổ trên vùng đất Bình Dương đều là một công trình kiến trúc đẹp, phản ánh được văn hóa, đời sống phát triển của người dân Nam Bộ qua các tác phẩm điêu khắc truyền thống.
Đó là nơi lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống đồng thời là những điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá vùng đất Bình Dương.
Bình Dương hiện có 5 ngôi nhà được xếp hạng di tích, trong đó 02 di tích cấp quốc gia là nhà cổ Trần Văn Hổ và Trần Công Vàng, 3 di tích cấp tỉnh là nhà cổ Nguyễn Tri Quan, nhà cổ Đỗ Cao Thứa và nhà cổ Dương Văn Hổ.
Ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp. Công trình được thân sinh ông Đẩu là cụ Trần Văn Lân xây dựng năm Canh Dần (1890). Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng Tây Nam, hướng sông Sài Gòn.
Ngôi nhà nguyên là một khu nhà lớn gồm: nhà chính, nhà phụ, khu chuồng ngựa… Hiện chỉ còn lại một ngôi nhà chính, đây là ngôi nhà lớn của gia đình được dùng chủ yếu là để thờ cúng ở gian giữa.
Lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “Đinh”, tổng diện tích xây dựng là 200m2 .
Ngôi nhà cổ xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái gồm 36 cột tròn, 6 hàng cột tròn từ trước ra sau, mỗi hàng là 6 cột được kê toàn bộ trên đá tảng, nền lát gạch tàu.
Địa chỉ nhà cổ Trần Văn Hổ: 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Công trình nhà cổ Trần Công Vàng trên đất Bình Dương xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ đinh nghịch với diện tích 1.333 m2 .
Phần trang trí bên trong ngôi được chạm khắc công phu, từ chân cột đến mái nhà, bàn ghế tủ ghế, trang thờ các khung cửa các ô lồng… hoành phi, liễn, đối, những bức tranh tứ bình, những tấm thủ quyển… tất cả đều chạm trổ, sơn thếp cẩn xà cừ công phu khéo léo, làm cho ngôi nhà tráng lệ mà trang nghiêm.
Phân bố mặt bằng của ngôi nhà gồm nhà trên, nhà có 5 gian hai chái, phần thờ phụng, tiếp khách, các buồng để ở và chứa đồ đạc của cải được ngăn chia rạch ròi.
Phần dành để tiếp khách gồm hai lòng căn (tức từ hàng cột thứ hai đến hàng cột thứ tư), nơi đây có đặt bàn ghế để tiếp khách, bao gồm ở gian giữa làm một bàn tròn lớn, mặt bàn lót đá cẩm thạch, trên bàn đặt giá Bát bửu (tám món binh khí cổ), chung quanh bàn có đặt ghế với chạm trổ tinh vi và giàu ý nghĩa tượng trưng.
Nhà dưới là một căn nhà ngang, cất theo lối xuyên trính nhưng đơn giản hơn nhà trên. Nhà ngang dùng để tiếp khách bình thường, là nơi sinh hoạt gia đình, nhà ăn, nhà bếp,… phía trước nhà ngang là nhà xe hướng cửa ra cổng.
Sân trước nhà cổ trồng nhiều chậu hoa kiểng, cây kiểng… tôn thêm nét đẹp cổ kính của ngôi nhà.
Địa chỉ nhà cổ Trần Văn Vàng: 21 Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Ngôi nhà được xây dựng năm 1890 được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 02/6/2004. Nét kiến trúc rất đặc biệt, đó là nét kiến trúc chữ Khẩu, gồm có 4 căn: nhà thờ, nhà khách nằm song song nhau hướng quay về phía Đông Nam cách nhau một khoảng sân nhỏ; nối nhà khách và nhà thờ là hai căn nhà ngang.
Sân nhỏ vừa là nơi đặt hòn non bộ, cây cảnh, đồng thời tạo ánh sáng cho bốn căn nhà xung quanh. Phía trước là bàn thờ chính, giữa là bàn thờ vong có đặt chân dung vua Thành Thái.
Các kèo đều có chạm cẩn, trính uốn cong. Phía trước nhà thờ là căn nhà ba gian dùng làm nhà khách. Trên tường dọc theo hành lang trong, chủ nhân treo những khung hình họa chân dung của những danh nhân và các vị vua chúa của một số nước trên thế giới khá nổi bật và rất đặc biệt.
Nhà cổ ông Nguyễn Tri Quan tọa lạc ở khu phố 1, phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Nhà cổ Đỗ Cao Thứa được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, uy nghi lộng lẫy theo lối kiến trúc chữ Đinh, ngôi nhà được làm toàn bằng gỗ quý kiên cố với những đường nét hoa văn chạm trổ công phu tinh xảo.
Ngoài ra còn có những bao lam, hoành phi, liễn, đại tự, khánh thờ được trang trí hoa văn cách điệu, chủ đề: Long, Lân, Quy, Phụng, Nai, Điểu, Nho, Sóc… đã tạo nên những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo do đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân chạm khắc tài hoa tạo nên, mang đậm phong cách văn hóa Việt trên đất Bình Dương thời bấy giờ.
Ngôi nhà cổ được xây dựng trong một khu vườn thoáng mát, cảnh quan tuyệt đẹp trong một màu xanh của cây trái sum suê đón gió lành, mát mẻ quanh năm. Ngôi nhà đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào ngày 02/06/2004.
Địa chỉ nhà cổ Đỗ Cao Thứa: cù lao Bạch Đằng, làng Bình Hưng, xã Bạch Đằng, TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Ngôi nhà cổ Dương Văn Hổ được công nhận là di tích lịch sử -văn hóa cấp tỉnh, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.
Nhà cổ Dương Văn Hổ là một ngôi nhà gỗ bề thế nằm yên bình, tĩnh lặng trong khu vườn đầy cây trái trên vùng đất cù lao Bạch Đằng.
Ngôi nhà do ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) xây dựng trong vòng 4 năm (từ năm 1911-1914).
Nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng trên một gò đất cao, gần sông Đồng Nai. Tổng diện tích của di tích hơn 2.935m2, gồm nhà chính và nhà phụ; ngôi nhà chính quay về hướng đông.
Ngôi nhà được xây dựng theo dạng chữ Đinh (丁), đây là kiểu nhà truyền thống của người Việt, mái lợp ngói âm dương, có ba gian, hai chái. Điểm nổi bật và giá trị trong kiến trúc nhà cổ Dương Văn Hổ phải kể đến là các kết cấu gỗ của khung nhà.
Hệ thống 50 cột gỗ (chia làm 5 hàng cột), xây dựng theo lối xuyên tâm các cặp vì kèo, đòn tay... tạo nên một không gian cổ kính. Bộ khung ngôi nhà hoàn toàn được làm từ các loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật, gụ, căm xe...
Ngoài ra, trong ngôi nhà cổ này còn có các bao lam trang trí các chủ đề như phụng, kỳ lân, nai, sóc, hoa sen, hoa cúc, dây lá nho, mai, lan, cúc, trúc, sen... được chạm khắc lộng hết sức khéo léo, cùng với một số hoành phi viết bằng chữ Hán vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn.
Địa chỉ nhà cổ Dương Văn Hổ: ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, TX Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.