Huế là thành phố được biết đến về lịch sử, văn hóa với những cung điện, lăng tẩm, đền chùa,... từ lâu đã trở thành biểu tượng du lịch đặc trưng của vùng đất cố đô Huế nổi tiếng.
Tuy nhiên, Huế còn thu hút du khách trong nước và nước ngoài bởi nền ẩm thực phong phú, đa dạng, cách chế biến độc đáo, lạ miệng và mang đậm nét văn hóa của người miền Trung. Trong đó phải kể đến là những món ăn dân dã, quen thuộc của người Huế như bánh mì, cơm hến, bánh canh, bánh ép,…
Bánh mì là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, nhưng ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến sáng tạo mang hương vị riêng, tại Huế có rất nhiều hàng bánh mì với nhiều nhân bánh được làm khác nhau, tuy nhiên quán bánh mì O Tho dưới chân cầu Trường Tiên có hương vị thơm ngon, chuẩn vị Cố đô. Bánh mì Trường Tiền có phần nhân được làm từ thịt xá xíu, chả, trứng, nem pate...
Ngoài ra, nước sốt tại O Tho được chế biến riêng, có hương vị đặc biệt không thể lẫn với bất kì một ai. Nước sốt hòa quyện với topping ú ụ béo ngậy là điều làm nên nét đặc trưng của bánh mì Trường Tiên O Tho so với các cơ sở khác.
Địa chỉ: Số 8 Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Ninh, Thành phố Huế.
Giờ mở cửa: 07:00 - 22:00
Ẩm thực Huế: Cớm hến Hoa Đông
Cơm hến Hoa Đông là địa chỉ quen thuộc với biết bao thế hệ không chỉ vì cơm hến ngon, mà ở đây còn có mì hến, bún hến và các món tráng miệng gây thương nhớ.
Cơm hến Huế là một trong những món ăn bình dị và dân dã tại xứ Huế. Tuy nhiên, ít ai biết rằng món ăn này từng là món ăn được dùng để tiến vua và trở thành món ăn cung đình. Nhiều người nghĩ đơn giản cơm hến chỉ đơn giản là cơm ăn với hến xào hay là canh hến nhưng để nấu món ăn này lại rất kỳ công, đặc biệt để tạo ra đúng chất của món ăn cung đình này thì còn khó khăn hơn nữa.
Khi du khách đến quán cơm hến Hoa Đông, sẽ thấy bảng niêm yết giá công khai. Các vật dụng tại quán cũng rất đơn sơ, một tô cơm hến ở đây chỉ đơn giản là: bún được được đặt trong rổ nhựa, cơm nguội để trong khay, các loại rau sống, rau dọc mùng sắt sợi nhỏ vừa ăn. Bên cạnh đó là một hũ thủy tinh đựng đậu phộng đã được rang sơ qua với dầu ăn vô cùng bóng bẫy. Thành phần đặc biệt và không thể thiếu trong không gian nhỏ nhắn này chính là hủ mắm ruốc cùng hủ mắm ớt cay nồng.
Theo chủ quán cơm hến Hoa Đông, để nấu bát cơm hến ngon, người đầu bếp cần phải chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu: hến Cồn Hến, mỡ lợn, mè, đậu phộng, rau dọc mùng, rau thơm, rau bạc hà, ngò, khế, bắp chuối, khế và cơm. Luộc hến và giữ lại nước còn trong. Bước tiếp theo, tách phần ruột hến ra khỏi vỏ và đem tẩm ướp, xào thơm lên cùng gia vị: hành, muối tiêu, nước mắm. Cùng với đó là xắt mỡ heo thành từng miếng nhỏ rồi chiên vàng lên lấy tóp mỡ. Vừng mè rang chín rồi để nguội sau đó đem đi trà vỏ. Cuối cùng là xắt nhỏ các loại rau thơm để chuẩn bị bày ra tô.
Về phần làm cơm, nấu chín rồi đem để nguội khoảng 4 tiếng, sau đó rắc lên trên lạch đỏ, vừng, rau thơm,hến xào, tóp mỡ và dưới 1 ít nước mỡ. Tiếp theo chuẩn bị thêm 1 bát nước canh để bên cạnh. Như vậy là bạn đã có 1 suất cơm hến chuẩn Huế rồi đó.
Khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận được rõ hương vị thanh mát nằm trong những con hến hòa cùng lạc, mắm ruốc, rau dọc mùng tạo nên một món ăn đậm đà, khó quên.
Địa chỉ: 64 Kiệt 7 Ưng Bình, Tp. Huế, Huế
Giờ mở cửa: 07:00 - 22:00
Ẩm thực Huế: Bún bò Mệ kéo
Quán mệ Kéo là một trong những gánh bún bò có tuổi đời lâu nhất, hơn nửa thập kỷ ở mảnh đất Cố đô Huế. Nơi đây là địa chỉ vô cùng quen thuộc đối với người dân địa phương cũng như tín đồ "xê dịch". Thực khách khi đến đây luôn phải xếp hàng và tuân thủ nguyên tắc tự phục vụ của quán.
Quán mệ Kéo có tuổi đời đã hơn 70 năm, nhưng số lượng thực khách dừng chân ở gánh bún bò này chưa có một ngày nào là giảm "nhiệt" cả. Thực khách đến đây rất đa dạng, đủ mọi lứa tuổi, từ người già, trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên… đến nỗi, người dân xứ Cố đô còn đặt biệt danh cho quán với cái tên thân thương và gần gũi là "bún bò mệ Kéo".
Quán mệ Kéo hoạt động suốt cả tuần, từ thứ hai cho đến Chủ Nhật. Tuy nhiên, quán chỉ mở cửa có 5 tiếng, bắt đầu đón khách từ 6 giờ và ngừng nhận lúc 10 giờ sáng.
Không phải tọa lạc ở nhà hàng sang trọng, điều ấn tượng với thực khách khi ghé tới quán Mệ Kéo chính là nằm trong một ngôi nhà gỗ cổ giản dị. Quán tuy nhỏ nhắn, nhưng rất thoáng mát, thậm chí còn có view "đắt giá" nhìn thẳng ra dòng sông thơ mộng, tạo cho thực khách một cảm giác trữ tình, đằm thắm, và rất Huế.
Điều thú vị là du khách đến quán sẽ phải tự phục vụ, chủ động đến lấy rau và chờ người múc nước lèo. Nước lèo của quán rất trong và vô cùng đậm đà khi chủ quán nấu theo công thức kiểu truyền thống xưa của người Huế. Đó là nấu chung tất cả thịt, giò, chả, gân huyết vào cùng một nồi om.
Và bún bò mệ Kéo đặc biệt hơn so với các quán khác, ngoài vị cay đặc trưng, vị thơm của sả, thì duy nhất khác lạ là trong tô bún bò quán Mệ Kéo lại không có thịt bò. Thay vào đó, tô bún bò sẽ có thịt ba chỉ, chả cua, huyết heo… được sắp xếp và trình bày vô cùng tỉ mỉ, bắt mắt. Miếng thịt ba chỉ được thái to, mỏng, chừng 5 đến 7 phân, nạc mỡ xen kẽ, còn huyết thì mướt, chả cua rất mịn.
Địa chỉ: số 20 đường Bạch Đằng, phường Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế,
Giờ mở cửa: 06:00 - 10:00
Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân được nhiều người yêu thích. Hầu hết thực khách quen thuộc với cách ăn truyền thống là luộc chín, ăn kèm với muối tiêu, gừng, rau răm.
Tuy nhiên, nếu có dịp du lịch Huế, bạn hãy thử một cách ăn trứng vịt lộn hoàn toàn khác, nhưng vô cùng thơm ngon và lạ miệng. Đó là trứng vịt lộn um bầu.
Trứng lộn um bầu trông cầu kỳ vậy nhưng cách làm lại khá đơn giản. Nguyên liệu chính, tất nhiên là trứng lộn và quả bầu. Trứng rửa sạch, luộc trong nồi nước sôi, bầu xắt vừa thành từng miếng tam giác. Trứng lột vỏ, xào chung với bầu, thêm nước và các gia vị, như hành, ớt, nước mắm, tiêu… gia giảm tùy theo khẩu vị. Chín rồi thì cho ra thố, trang trí thêm ớt tươi, hành lá, rau răm…, vừa giữ được độ nóng lại tạo cảm giác hoài cổ, trang trọng và đẹp mắt.
Trứng lộn um bầu là món ăn khá đặc biệt khi phù hợp với cả mùa lạnh lẫn mùa nóng, ăn vào mùa đông thì ấm áp nhớ sức nóng của nước và khả năng giữ nhiệt của thố, ăn vào mùa hè thì mát người nhờ cái tính lạnh của quả bầu, trứng lộn. Quanh năm suốt tháng, đi ngang qua hàng trứng lộn um bầu tôi luôn thấy những hàng xe, hàng người tấp nấp, gia đình chủ quán không lúc nào ngơi tay.
Trứng lộn um bầu được bày bán rất nhiều ở các quán ăn tại Huế, vì vậy nếu có dịp ghé thăm TP. Huế, du khách có thể tìm tới và thưởng thức món trứng vịt lộn um bầu tại một số địa chỉ được người địa phương ưa chuộng như 28 Trần Huy Liệu, 103 Phan Đình Phùng,...
Hay ở góc đường Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, thành phố Huế, có tên Bé Đen
Ẩm thực Huế: Bánh canh Nam Phổ
Nhắc đến đặc sản Huế thì nhất định không thể bỏ qua món bánh canh Nam Phổ - món ăn gia truyền gắn liền với địa danh nổi tiếng ở cố đô. Món ăn này bắt nguồn từ làng Nam Phổ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, được truyền từ đời này qua đời khác với hương vị đậm đà độc đáo mà bất cứ ai ăn rồi cũng phải lưu luyến.
Từ một món ăn gia truyền của vùng làng quê nhỏ, giờ đây bánh canh thương hiệu Nam Phổ đã được bán ở khắp nơi trên xứ Huế. Món ăn dù giản dị nhưng rất tinh tế, khiến cho những con người xứ Huế xa quê cũng luôn nhớ tới hay bất cứ du khách tới đây đều phải tìm để thưởng thức bằng được.
Để làm món bánh canh Nam Phổ, người nấu không cần chuẩn bị quá cầu kỳ về nguyên liệu, chủ yếu sẽ có sợi bánh canh, tôm, cua chả,... và một số gia vị, rau ăn kèm.
Linh hồn của món bánh canh Nam Phổ đó là nước dùng từ nước luộc tôm, cua cho ra vị ngọt tự nhiên nhất. Bên cạnh đó, nhân bánh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm tươi. Đến với Huế, bạn sẽ nhanh chóng bị hấp dẫn bởi tô bánh canh có màu trắng của sợi bánh với những chả tôm, thịt tươi ngon, xen lẫn là chút hành lá, lúc dùng nêm thêm chút nước mắm ớt lại càng tăng thêm hương vị. Sợi bánh dai ngon hòa quyện cùng nước dùng sóng sánh và hương vị thơm ngon của tôm, cua, thịt khiến thực khách ngây ngất ngay từ những lần thưởng thức đầu tiên.
Đây là món ăn gia truyền nên rất phổ biến được bán tại các quán ăn, các quán vỉa hè và ở các chợ Thành phố Huế.
Ẩm thực Huế: Bánh ép chị Huệ
Bánh ép Huế được xem là món ăn tuổi thơ đối với nhiều người Huế từ thế hệ 8x trở về sau. Nhiều học sinh, sinh viên thường lựa chọn bánh ép làm món ăn vặt mỗi khi chiều về vì giá thành rẻ. Trước đây, bánh truyền thống chỉ có bột lọc, trứng, ăn kèm rau sống và mắm ngọt. Tuy nhiên với sự biến tấu đa dạng ở thời nay thì món ngon Huế này đã có thêm nhiều loại nhân ăn kèm như thịt, tôm, pate, xúc xích… phục vụ đa dạng khẩu vị cho du khách.
Chiếc bánh ép Huế nhỏ nhưng có vị béo ngậy, dai dai của bánh, chua giòn rau củ, mùi thơm của hành lá, thịt, trứng cùng sự tươi ngon của các loại hải sản tạo nên hương vị mê say khó cưỡng. Tất cả quyện hòa làm nên một món ăn trứ danh của thành phố cổ. Loại bánh này giòn rụm, ăn chơi rất nghiện. Mỗi người có thể ăn rất nhiều cái rồi xếp dĩa thành chồng cùng đếm như một thú vui.
Bánh ép được bán ở các quán và các chợ, vỉa hè, tuy nhiên bánh ép chị Huệ là một trong những quán vừa chất lượng, vừa giá cả hợp lí tại Huế. Cách sắp xếp chỗ ngồi ở đây gọn gàng và ngăn nắp. Chỗ ngồi của khách có thể thấy được quá trình ép bánh của người làm. Quán bố trí chỗ để khách ăn thuận tiện lấy đồ ăn kèm như ra.
Với sự kết hợp các nguyên liệu vô cùng đơn giản như trứng, thịt, nhưng cho ra một món ăn siêu ngon, du khách chỉ cần ăn một lần là bị nghiện.
Địa chỉ: 118 Lê Ngô Cát, Thành phố Huế
Ẩm thực Huế: Ốc gạo cay chợ Đông Ba
Ốc gạo được biết đến là một món ăn chơi phổ biến rất được các lòng người dân xứ Huế, đặc biệt đây là món ăn của các bà, các mẹ, các chị không thể làm ngơ nếu lỡ bắt gặp gánh ốc với mùi hương tỏa ra ngào ngạt.
Ốc gạo cay là một trong những đặc sản được bày bán tại chợ Đông Ba. Ốc ở đây được bày bán trong một chiếc thau lớn điểm xuyết bên trên là màu đỏ tươi của ớt, màu vàng của hành phi và thêm chút tỏi trắng nhìn vô cùng hấp dẫn. Hương vị ốc thơm, đậm đà và cay xé lưỡi nên thường được các tín đồ mê ăn vặt thưởng thức vào những ngày thu đông.
Mỗi lần ăn ốc xong, ai nấy đều hít hà vì cay và nóng, môi đỏ lên, mồ hôi lấm tấm, ngồi lễ ốc đến đau cả lưng nhưng ai nấy vẫn ăn ngon lành. Có người ăn đến chảy nước mắt, nước mũi nhưng vẫn ăn đến con ốc cuối cùng cũng bởi vì lẽ đó mà người ta bảo ốc gạo là món "gây nghiện".
Món ốc gạo thu hút rất nhiều đối tượng từ học sinh, sinh viên, người lao động bình dân đến những người sành điệu và cả khách du lịch.