Đồng thời khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp. Đó cũng là mục tiêu mà Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 69 của Chính phủ hướng đến.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, xây dựng hướng dẫn và đẩy mạnh thành lập các mô hình "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân xuất sắc", "Câu lạc bộ nông dân với pháp luật", "Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông", "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú". Xin ông cho biết những kết quả tích cực đạt được của Hội Nông dân Việt Nam trong việc xây dựng các câu lạc bộ này trong thời gian qua?
-Một trong những hướng đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động nông dân của Hội Nông dân Việt Nam là phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thành lập các mô hình "Câu lạc bộ nông dân". Đây là mô hình tập hợp nông dân mới nhưng cũng có khởi phát từ sự tự phát của nông dân. Thông qua theo dõi tình hình, Hội Nông dân Việt Nam đã đánh giá, tổng kết thấy đây là một hình thức tập hợp nông dân có hiệu qua nên đã khuyến khích thành lập.
Ngày 23/6/2016, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) đã ban hành Đề án số 24-ĐA/HNDTW về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp để chỉ đạo triển khai trong toàn quốc.
Đến nay, cả nước có 3.165 chi Hội nông dân nghề nghiệp với trên 72.600 thành viên; 26.400 tổ Hội nông dân nghề nghiệp với trên 381.700 thành viên.
Nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng các mô hình tập hợp, thu hút phát triển phong trào như thành lập Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường, câu lạc bộ nông dân với pháp luật, câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông... với hàng vạn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tham gia, góp phần đẩy mạnh phong trào ở địa phương.
Việc đổi mới mô hình tập hợp nông dân có ý nghĩa rất to lớn trong việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nông dân. Đó là các cấp Hội sẽ thuận lợi hơn trong việc lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với nhu cầu theo từng nhóm hội viên, nông dân, thay vì tuyên truyền các nội dung chung chung hoặc những chủ trương, chính sách có tác động không lớn đến quyền và lợi ích của họ.
Ngày 11/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Theo ông đánh giá, việc phát triển các câu lạc bộ có ý nghĩa tích cực như thế nào trong đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân của Hội Nông dân theo tinh thần Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 69 của Chính phủ, thưa ông?
-Cũng giống như mô hình chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân sẽ có tác dụng phân loại, hướng nông dân vào những tổ, nhóm cụ thể: Tạo ra một mô hình tập hợp nông dân mới. Đồng thời, tạo điều kiện cho những hội viên, nông dân giao tiếp, ứng xử, bày tỏ quan điểm, tâm tư nguyện vọng; trao đổi thông tin theo từng lĩnh vực, đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống theo từng chủ đề và các hoạt động xã hội, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hội viên và chất lượng hoạt động của Hội.
Thông qua các hoạt động của từng câu lạc bộ để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống của dân tộc cũng như phát huy các khả năng của các thành viên, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân Việt Nam.
Đồng thời khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển KTTT, HTX nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.
Đó cũng là mục tiêu mà Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 69 của Chính phủ hướng đến.
Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Nghị quyết 69 của Chính phủ đề ra có nhấn mạnh đến việc đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong năm 2024.
Là đơn vị Ban chuyên môn được Ban Thường vụ Trung ương Hội giao tham mưu tổ chức đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội sẽ có những chương trình, kế hoạch, hoạt động nào để thực hiện Nghị quyết 69 của Chính phủ và Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị thưa ông?
-Là đơn vị Ban chuyên môn được Ban Thường vụ Trung ương Hội giao tham mưu tổ chức đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội sẽ tham mưu cho Đảng đoàn, Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung cốt yếu của Nghị quyết 46, các nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5, thứ 8 (khóa XIII); Quyết định số 182/QĐ-TTg, ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030; Nghị quyết 69 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước… đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân; đồng thời, tập trung tuyên truyền nhưng mô hình, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng.
Tập trung duy trì và nhân rộng mô hình hoạt động các "Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật nhà nông"; các cuộc thi "Nhà nông đua tài", "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông", chương trình "Tôn vinh nhà khoa học của nhà nông"..., phát huy vai trò của các di tích lịch sử hội, khuyến khích các phong trào thể thao, văn hóa văn nghệ quần chúng ở nông thôn, nghiên cứu khôi phục và phát huy hội thi "tiếng hát đồng quê", giải bóng chuyền "Bông lúa vàng"...
Trong đó trước mắt, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội sẽ tập trung tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VI) về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tình hình mới và ban hành Nghị quyết mới nhăm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với các ban đơn vị chuyên môn khác tổ chức thí điểm tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua nền tảng số (App Nông dân).
Ông Nguyễn Văn Phan, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng Ban, phụ trách Ban Tuyên giáo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cũng nhấn mạnh: Không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, mà công tác tuyên truyền còn là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong toàn bộ công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong công tác Hội, trước mắt, cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ Hội, nhất là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động nông dân. Làm cho mọi cán bộ, đảng viên trong hệ thống Hội hiểu rõ công tác tuyên truyền, vận động nông dân là nhiệm vụ thường xuyên của họ, trong đó vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.
Bởi vì khi nhận thức đúng, người lãnh đạo sẽ tổ chức công tác tuyên truyền, vận động nông dân một cách bài bản, thường xuyên, khoa học. Họ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch, định hướng nội dung và cung cấp thông tin tuyên truyền cụ thể. Đồng thời, quan tâm giáo dục xây dựng, kiện toàn và đào tạo đội ngũ cán bộ truyên trách công tác tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến của cán bộ Hội các cấp: Cán bộ làm công tác tuyên truyền không chỉ là phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho cán bộ hội viên biết mà còn phải có năng lực phân tích, giải thích chính sách, làm cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc ban hành chính sách đó, để từ đó tạo sự đồng thuận, động viên mọi nguồn lực của giai cấp nông dân thi hành chính sách trên thực tế.
Do vậy, những người làm công tác tuyên truyền, vận động nông dân không chỉ cần am hiểu các chính sách của Đảng, Nhà nước, tâm tư, nguyện vọng của nông dân, mà còn phải hiểu phong tục tập quán của địa phương để có phương pháp phù hợp trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục hội viên, nông dân nghe theo và tự giác thực hiện.
Thứ ba, làm tốt công tác định hướng nội dung tuyên truyền: người lãnh đạo cần căn cứ vào tình hình cụ thể để định hướng nội dung tuyên truyền. Mọi chính sách đều phải được chuyển tải đến người dân, song cần ưu tiên tập trung tuyên truyền những chủ trương, chính sách có tác động lớn đến đời sống nhân dân, và quá trình phát triển của đất nước, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ tư, đa dạng hóa, kết hợp nhuần nhuyễn các phương thức tuyên truyền. Bao gồm các phương thức tuyên truyền truyền thống như tuyên truyền miệng, hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Có như vậy, mọi thông tin cần tuyên truyền sẽ đến với người dân mọi lúc, mọi nơi.
Thứ năm, cần nắm chắc dư luận xã hội: dư luận xã hội phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, do vậy, khi làm công tác tuyên truyền, người cán bộ phải hiểu rõ dư luận xã hội, hiểu rõ phong tục, tập quán của địa phương, trên cơ sở đó, lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp thì hiệu quả mới cao.
Xin trân trọng cảm ơn ông!