Thực hiện Nghị quyết 69, Hội Nông dân như "con mắt" giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào
Thực hiện Nghị quyết 69, Hội Nông dân như "con mắt" giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào
Khánh Nguyên (ghi)
Thứ tư, ngày 15/05/2024 14:20 PM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), với hệ thống "chân rết" xuống tận cơ sở, Hội Nông dân các cấp sẽ là lực lượng quan trọng trong việc giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có giống cây trồng.
Ngày 11/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Trong Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu, xây dựng chỉ số đánh giá làm cơ sở để tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về nhiệm vụ này đối với công tác quản lý giống cây trồng, vật tư nông nghiệp?
- Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, sau đó Chính phủ có Nghị quyết số 69/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này cho thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò không thể thiếu của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.
Trong Nghị quyết 69, tôi thấy có một nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, tác động đến sản xuất, kinh doanh của nông dân, các hợp tác xã đó là: "Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu".
Việc tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT được giao phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu, xây dựng chỉ số đánh giá làm cơ sở để tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Tôi cho rằng, nông dân, hợp tác xã sẽ là lực lượng rất quan trọng trong việc giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có các loại giống cây trồng.
Trong bối cảnh việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng vẫn còn một số khó khăn, nhất là tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống giả vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến quá trình canh tác của nông dân, theo ông, nếu có thêm tổ chức Hội Nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp sẽ có ý nghĩa như thế nào?
- Hiện nay, chất lượng các loại giống cây trồng đều theo quy chuẩn Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đều phải tuân thủ theo quy chuẩn đó và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với những giống cây trồng không phải là đối tượng cây trồng chính thì khi lưu hành, doanh nghiệp có thể tự công bố và hoàn toàn chịu trách nhiệm với những công bố này.
Theo tôi, nếu có thêm tổ chức Hội Nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp thì chúng ta giống như có thêm "con mắt" để giám sát, đánh giá quá trình sản xuất, kinh doanh giống cũng như chất lượng các loại giống được cung cấp.
Với hệ thống "chân rết" đến tận cơ sở, tôi nghĩ, các cấp Hội Nông dân cần phát huy vai trò giám sát, phản biện trong vấn đề đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào, trong đó có lĩnh vực giống cây trồng để các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nắm được những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn của người nông dân để lựa chọn phương thức kinh doanh, cung ứng các loại vật tư, giống cây trồng đáp ứng được những đòi hỏi đó.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân cũng đẩy mạnh việc khuyến khích, tuyên truyền người dân sử dụng giống có nguồn gốc, giống xác nhận của các cơ sở, doanh nghiệp uy tín, có thương hiệu để tránh mua phải hàng giả; hàng nhái. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp không đúng quy định cần báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền, ngành chức năng để xử lý kịp thời.
Trong điều kiện lực lượng của các ngành chức năng vẫn còn "mỏng", nếu có thêm một "con mắt" giám sát, đánh giá từ phía Hội Nông dân thì chắc chắn dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào sẽ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho bà con khi sử dụng phải phân bón, giống cây trồng giả, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân cũng có thể phối hợp với ngành chức năng chúng tôi trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giống; phản biện, cho ý kiến về quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực trồng trọt nói riêng, nông nghiệp nói chung. Điều này cũng thể hiện rõ chức năng giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân Việt Nam được nêu rõ trong Nghị quyết 69 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.