"Chúng tôi cuối cùng sẽ đến đó, sau quãng thời gian nữa", Tướng Brown quả quyết với các phóng viên khi đang trên máy bay tới hội nghị của NATO tại Brussels, Bỉ.
Ông Brown nhấn mạnh, nếu NATO triển khai quân tới Ukraine ngay lúc này thì sẽ khiến "các huấn luyện viên NATO gặp nguy hiểm" và buộc Ukraine phải cân nhắc sử dụng những hệ thống phòng không quý giá để bảo vệ quân nhân của liên minh, thay vì các cơ sở hạ tầng quan trọng của Kiev trên chiến trường.
Theo Hiến chương NATO, Washington có nghĩa vụ hỗ trợ phòng thủ trong trường hợp huấn luyện viên quân sự của khối bị tấn công tại Ukraine, điều có thể kéo Mỹ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Tuyên bố của ông Brown được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực, vũ khí và cũng đang ngày càng thất thế trên tiền tuyến khi lực lượng Nga đẩy mạnh tiến công trên 2 mặt trận Kharkov và Donbass nhằm tận dụng khoảng thời gian viện trợ quân sự của Mỹ chưa được chuyển đến tiền tuyến.
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của tướng Brown, Nhà Trắng lâu nay vẫn tuyên bố rằng, họ sẽ không đưa quân đội Mỹ, bao gồm cả các huấn luyện viên tới Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine. Chính quyền Biden đã nhắc lại quan điểm này hôm thứ Năm. Chính quyền Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh NATO không gửi quân tới Ukraine.
Trên thực tế, quân đội Mỹ đã tiến hành huấn luyện cho quân đội Ukraine ở Ba Lan, Đức và Mỹ nhưng chưa đưa huấn luyện viên tới Ukraine. Các quan chức Mỹ hiện thừa nhận rằng, việc huấn luyện hiện tại của lực lượng Ukraine là chưa đủ và họ cần được huấn luyện tốt hơn, nhanh hơn để đẩy lùi cuộc tấn công dự kiến của Nga vào mùa hè này.
Mỹ từng điều hành chương trình huấn luyện của NATO tại Yavoriv, phía tây Ukraine, nhưng quân đội Mỹ đã rút khỏi đó khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine bắt đầu.