"Nỗi đau của bướm đêm" với tên ban đầu là "Ai lấy cave" chính thức được phát hành thành sách là một tin vui với những người yêu thích câu chuyện này. Tác giả Thu Hằng, người từng đăng truyện trên Facebook cá nhân thu hút hàng chục nghìn lượt đọc và bình luận đã có những chia sẻ rất bất ngờ về tiểu thuyết đầu tay của mình.
"Ai lấy cave" đã được in sách với tên mới là "Nỗi đau của bướm đêm". Tác giả Thu Hằng có thể chia sẻ một chút về tiểu thuyết đầu tay của mình?
- Tôi thật sự biết ơn Tri Thức Trẻ Books vì đã hoàn thành ước mơ của tôi đó là biến một tác phẩm online trở thành một cuốn truyện đẹp. Là người lần đầu viết tiểu thuyết, tôi không ngờ rằng "Nỗi đau của bướm đêm" lại được yêu thích đến thế.
"Nỗi đau của bướm đêm" tên ban đầu là "Ai lấy cave". Khi bản thảo truyện gửi tới Nhà xuất bản, các anh chị biên tập viên đề nghị tôi nghĩ một cái tên "ra dáng tiểu thuyết hơn" và tôi nghĩ mãi, cuối cùng chọn tên "Nỗi đau của bướm đêm". Cái tên này đã phần nào nói lên nội dung của truyện, nói về cuộc sống nhơ nhớp của những cô gái làm cave.
Khi truyện của chị gây sốt trên mạng, nếu không quen biết chị, tôi thậm chí đã nghĩ chị là cave bởi truyện của chị thật quá, đời quá… Ảnh: NVCC
Rất nhiều độc giả đọc truyện trên mạng cũng đã nhận xét như vậy và với tôi, đó là lời khen. Tôi nghĩ bất cứ tác giả nào cũng mong có thể chạm tới tim người đọc và nếu độc giả nghĩ tôi là cave nghĩa là câu chuyện của tôi đã khiến mọi người rung động.
Thực ra, tôi là nhà báo. Tôi làm báo điện tử đã nhiều năm và tôi viết truyện "Nỗi đau của bướm đêm" trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là trong viện tâm thần…
Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn được không?
- Tôi bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe không tốt từ bé nên gia đình không muốn tôi làm báo vì sợ vất vả nhưng tôi yêu nghề này vô cùng nên đã bỏ công việc kiểm toán để chuyển sang làm báo.
Làm báo điện tử thì ai cũng rất bận rộn, vất vả, áp lực nhưng tôi cực yêu thích nên bỏ qua các vấn đề về sức khỏe. Cách đây vài năm, tôi từng bị rối loạn lo âu và stress phải điều trị gần 2 năm nhưng tôi vẫn bất chấp, làm việc "sống chết" không bao giờ nghỉ kể cả cuối tuần hay lễ, Tết. Nếu có đi biển cùng cả nhà thì tôi cũng chỉ ngồi trên bờ ôm máy tính cả buổi. Tôi rất cầu toàn trong công việc nên hàng chục năm nay, tôi không bao giờ ngủ nổi 5 tiếng mỗi ngày. Tôi làm việc như không có ngày mai, một phần vì đam mê, một phần vì kiếm được nhiều tiền. Tôi nghĩ, được làm đúng việc mình thích thì vất vả cũng chẳng sao cả.
Tới đầu năm 2023, sức khỏe tinh thần của tôi lại xấu đi. Tôi mất ngủ dài ngày vì stress, nhiều đêm không chợp mắt một tý nào. Gia đình yêu cầu tôi tạm nghỉ việc nhưng tôi không đồng ý. Mất ngủ, ăn ít, tôi ngất xỉu liên tục, gia đình đưa tôi đi viện và ép tôi nghỉ việc. Rời khỏi tòa soạn là điều khiến tôi đau khổ vô cùng. Ngày nộp đơn, tôi đã khóc dù tôi là người rất hiếm khi rơi lệ. Năm 2023 vừa qua, tôi chỉ khóc 2 lần, lần đầu là khi tôi xin nghỉ việc và lần thứ hai là khi tôi viết phân đoạn mẹ Thơm qua đời trong truyện "Nỗi đau của bướm đêm".
Khi tôi tới khám ở viện tâm thần, bác sĩ hỏi tôi có muốn nhập viện không và tôi đồng ý vì tôi nghĩ, đây là cơ hội tuyệt vời để tôi tìm hiểu về một bệnh viện đặc biệt và những bệnh nhân đặc biệt tới như vậy. Đúng là 11 ngày trong viện tâm thần đã thay đổi cách tôi nhìn nhận về cuộc sống. Tôi nhận ra rằng, giới hạn chịu đựng của mỗi người là khác nhau và tôi phải cân bằng cuộc sống chứ không thể làm việc 16 -18h/ngày mà luôn nghĩ đó là bình thường. Có thể với người khác là bình thường nhưng với tôi thì không… Tôi từng nghĩ công việc và tiền là quan trọng nhất nhưng tôi đã nhầm… Giờ tôi có khá nhiều tiền nhưng có rất nhiều thứ mà tôi không mua được.
Là người cực kỳ yêu công việc nên khi ở trong viện, sự nhàn rỗi làm tôi buồn chán vô cùng. Gia đình động viên tôi viết cái gì đó cho khuây khỏa và tôi bắt đầu viết "Nỗi đau của bướm đêm" để giết thời gian. Tuy nhiên, thời điểm đó tôi stress nặng, mỗi ngày chỉ viết được chừng 1-2 giờ là phải nghỉ.
Tôi khi đó như một quả chanh đã hết sạch nước, chỉ còn lại vỏ, xơ xác, kiệt quệ. Khả năng tốt nhất của tôi là viết lách mà tôi lại phải nghỉ việc ở tòa soạn, điều đó khiến tôi rất tuyệt vọng. Trong nhiều tháng, tôi mất phương hướng, không biết nên làm gì. Tôi viết “Nỗi đau của bướm đêm” chỉ để có cảm giác là mình vẫn được viết báo. Không ngờ câu chuyện được yêu thích đến vậy trên mạng rồi được đọc cả trên Youtube. Tôi biết ơn quý độc giả vô cùng. Tôi không phải nhà văn nên truyện của tôi đơn giản, không hoa mỹ, màu mè gì cả.
"Nỗi đau của bướm đêm" được cư dân mạng rất yêu thích vì dễ hiểu, gay cấn, nhiều cảnh nóng và tính nhân văn cao cả. Chị kỳ vọng gì khi xuất bản cuốn sách này?
- Tôi thật sự chỉ mong độc giả nhanh tay mua truyện để nhà đầu tư in sách cho tôi có thể thu hồi vốn (cười). Tôi đã viết một đoạn kết mới cho truyện này, khác với cái kết của bản truyện online và hy vọng mọi người đều cảm thấy rung động khi đọc câu chuyện về các cô cave, đó là một góc khuất của xã hội mà có thể nhiều người chưa biết tới. Tôi mong độc giả yêu cuốn tiểu thuyết này vì tính nhân văn chứ không phải vì cảnh nóng. Viết về cave thì sẽ phải có cảnh nóng, đó là tất yếu nhưng tôi không dùng cảnh nóng để câu khách.
Cảm ơn Thu Hằng đã chia sẻ thông tin!
"Nỗi đau của bướm đêm" với tên ban đầu là "Ai lấy cave". Đây là câu chuyện kể về cuộc đời của Thơm, một cô gái trẻ xinh đẹp vì gia cảnh nghèo túng phải trở thành "gái bán hoa". Thơm làm cave nhưng lại mang thai với khách. Khi có thai, Thơm quyết bỏ nghề để làm lại cuộc đời nhưng sự nghèo khó không cho cô làm người lương thiện. Một lần nữa, cô lại phải quay lại với cái nghề nhơ nhớp, bị cả xã hội coi khinh. "Nỗi đau của bướm đêm" bóc trần sự thật nghiệt ngã ít người biết về cuộc sống tăm tối, nhiều đau đớn, ô nhục của những cô "bướm đêm". Truyện chân thực tới từng câu từng chữ với hàng loạt chi tiết kịch tính được đẩy lên cao trào. Những cảnh nóng trần trụi cũng khiến nhiều người đọc phải "đỏ mặt". Độc giả sẽ trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc như hỷ, nộ, ái, ố khi đọc câu chuyện này. "Nỗi đau của bướm đêm" không đơn thuần là truyện về chủ đề "nóng" - cave, mà còn được đánh giá cao bởi thông điệp nhân văn: Tình người và hy vọng là những điều bất diệt, ngay cả trong những cảnh đời trớ trêu nhất.