Dân Việt

Loạt siêu vũ khí Mỹ lộ lỗ hổng nguy hiểm khi tham chiến chống lại Nga ở Ukraine

Minh Nhạt (theo BI) 18/05/2024 15:21 GMT+7
Mỹ là nước viện trợ vũ khí lớn nhất cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga và các nhà phân tích nói rằng, Mỹ đang thu lợi lớn khi đạt được những hiểu biết sâu sắc vô giá về những sai sót của một số hệ thống sản xuất vũ khí và quân sự quan trọng nhất của nước này.
Loạt siêu vũ khí Mỹ lộ lỗ hổng nguy hiểm khi tham chiến chống lại Nga ở Ukraine- Ảnh 1.

Các quân nhân Ukraine bên một chiếc xe tải chở FGM-148 Javelin, tên lửa chống tăng do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Ảnh BI

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào năm 2022, Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Ukraine, cung cấp tổng số tiền viện trợ là 107 tỷ USD cho chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, các nhà phân tích bình luận, không chỉ có Ukraine hưởng lợi trong việc này. Từ việc gây nhiễu tên lửa cho đến máy bay không người lái và pháo binh, Mỹ đang thu được những hiểu biết cực kỳ có giá trị về những điểm yếu của các hệ thống vũ khí tinh vi của họ trên chiến trường tàn khốc ở miền đông và miền nam Ukraine.

Theo Business Insider, lĩnh vực thứ nhất mà Mỹ bộc lộ những thiếu sót là chiến tranh điện tử. Theo báo cáo trước đây của Business Insider, các hệ thống gây nhiễu của Nga đã tạo ra những vấn đề lớn với vũ khí chính xác của phương Tây, bao gồm tên lửa GMLRS và đạn pháo Excalibur.

Các đơn vị tác chiến điện tử của Nga ngày càng trở nên thành thạo trong việc xáo trộn các hệ thống định vị GPS được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa và đạn pháo tới mục tiêu, khiến chúng chệch hướng và trở nên vô dụng.

Stacie Pettyjohn, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới bình luận: “Chiến tranh đã tiết lộ rằng một số loại đạn dược dẫn đường chính xác của Mỹ đã thất bại trong môi trường điện từ có tính cạnh tranh cao”.

Ngược lại, máy bay không người lái giá rẻ, sẵn có lại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trên chiến trường Ukraine. Quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái để bù đắp một số nhược điểm về nhân lực và trang thiết bị mà họ gặp phải khi đối đầu với Nga. UAV đã được sử dụng chúng để giám sát các vị trí của Nga, hướng dẫn các cuộc tấn công bằng pháo binh. Ukraine cũng trang bị cho UAV lựu đạn hoặc chất nổ để tấn công các vị trí của đối phương.

Máy bay không người lái của Ukraine cũng dễ bị tấn công bởi chiến tranh điện tử, nhưng Ukraine đã sản xuất được công nghệ tránh tín hiệu gây nhiễu và khai thác những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ tác chiến điện tử của Nga.

Thứ 2, cuộc chiến Ukraine đã bộc lộ những vấn đề không chỉ về chất lượng vũ khí mà còn về khả năng của Mỹ để sản xuất chúng với số lượng lớn.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại các nhóm chiến binh như Taliban ở Afghanistan. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine gần giống với các cuộc xung đột như Thế chiến thứ nhất, trong đó, 2 phe tham chiến bắn hàng chục nghìn viên đạn pháo vào nhau mỗi ngày để làm đối thủ suy yếu. Mỹ đã không thể cung cấp đủ số vũ khí và đạn dược mà Ukraine cần, đẩy nước này vào tình thế bị quân Nga áp đảo.

Trong cuộc xung đột, Nga đã đặt nền kinh tế của họ vào tình thế chiến tranh, tăng sản xuất ồ ạt số lượng thiết bị quân sự và đặt Ukraine vào thế bất lợi nghiêm trọng.

“Vấn đề lớn nhất mà cuộc chiến Ukraine bộc lộ với vũ khí của Mỹ là Lầu Năm Góc không có đủ đạn dược cho một cuộc xung đột kéo dài quy mô lớn”, nhà phân tích Pettyjohn tuyên bố.

Thứ 3, Mỹ còn gặp vấn đề khi các hệ thống phòng không của Mỹ sử dụng tên lửa có giá cao hơn nhiều so với những chiếc máy bay không người lái rẻ tiền mà chúng tiêu diệt, ông Pettyjohn cho biết.

“Bắn tên lửa đắt tiền vào máy bay không người lái và tên lửa rẻ tiền không phải là một chiến lược bền vững hoặc là chiến lược giúp Mỹ chiếm ưu thế trong những cuộc chiến đòi hỏi sự bền bỉ này”, nhà phân tích Pettyjohn nói.

Theo đó, bà Pettyjohn kết luận, bài học cốt lõi là số lượng cũng quan trọng như chất lượng.

“Mỹ lẽ ra phải biết rằng khối lượng cũng quan trọng không kém độ chính xác của vũ khí. Quân đội Mỹ cần nhiều đạn pháo, tên lửa và máy bay không người lái hơn mức hiện có và một cơ sở công nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất các hệ thống quan trọng này trong trường hợp cần thiết", bà Pettyjohn nhấn mạnh.