Để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp giúp người chăn nuôi lợn tin tưởng, tăng sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi, PV Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Cần có vaccine tiêm được cho nhiều đối tượng
Theo ghi nhận, khảo sát của PV Báo điện tử Dân Việt tại nhiều vùng chăn nuôi lợn ở các tỉnh, thành, người chăn nuôi vẫn chưa mấy mặn mà với vaccine dịch tả lợn châu Phi mới, theo ông nguyên nhân do đâu?
-Theo tôi có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do vaccine dịch tả lợn châu Phi mới đưa vào tiêm còn giới hạn, chưa tiêm phòng rộng như các loại vaccine khác. Các cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất vaccine đang khuyến cáo, người nuôi sử dụng vaccine mới chỉ tiêm cho lợn từ 4 tuần tuổi trở lên đối với lợn thịt, các đối tượng khác như lợn nái, giống... chưa được tiêm.
Thứ 2, người nuôi vẫn chưa tin tưởng nhiều vào miễn dịch của loại vaccine mới. Thứ 3, người chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc tiêm phòng có hạn chế về nhận thức. Thứ 4, do quá trình theo dõi và nghe các tin đồn các trại tiêm lợn thịt chưa đảm bảo, người dân chưa tiếp cận tốt các thông tin về vaccine mới.
Theo tôi, khi vaccine dịch tả lợn châu Phi đã được công bố và thử nghiệm rồi thì người dân phải tin tưởng và sử dụng tiêm phòng cho đàn lợn của mình.
Để tạo lòng tin cho người chăn nuôi lợn sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi mới, theo ông nhà nước và các nhà sản xuất vaccine cần phải làm gì?
-Theo tôi, trược tiên, phải tuyên truyền tốt hơn về kết quả nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Mặt khác, cần chọn các hộ đã tiêm vaccine mới đạt hiệu quả cao để nhân rộng. Tất nhiên, trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi cũng có nhiều vấn đề. Phải chú ý chăn nuôi an toàn sinh học, tiếp đó là từ khâu chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng nằm trong giải pháp an toàn sinh học để tránh lây nhiễm dịch, nhất là trong thời điểm thời tiết, khí hậu bất thường, khó lường. Nếu chúng ta không đảm bảo an toàn sinh học tốt, một khi thời tiết biến động vẫn có thể phát sinh bệnh dịch, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Ngoài ra, sử dụng vaccine đúng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất như đúng đối tượng tiêm, hạn dùng, kỹ thuật tiêm. Trong tiêm vaccine, đối tượng tiêm, kỹ thuật tiêm và chăm sóc hộ lý đối với các loại lợn đã tiêm phòng rất quan trọng. Nếu chúng ta thấy vaccine đạt hiệu quả tốt phải nhân lên. Chúng ta vẫn phải khuyến cáo bà con nên tiêm phòng để bảo hộ cho đàn vật nuôi khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, nguy hiểm.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, ghi nhận ý kiến của người dân, chúng tôi được nhiều người nuôi lợn phản ánh, giá vaccine vẫn chưa được công bộ cụ thể, nhà nước, doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm vaccine nên mọi người vẫn còn tâm lý e ngại, chưa dám tiêm phòng cho đàn lợn của mình?
- Hiện việc thay đổi trong Nghị định 02 (Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp) nên trong các chính sách, kể cả việc hỗ trợ dịch bệnh phải tiêu hủy bắt buộc. Việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến chính sách còn chậm để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chính vì thế mà trong thực tế còn để xảy ra tình trạng bán chạy khi bị dịch, người dân hiểu biết chưa hết nên khi nghe thông tin lợn bị dịch sẽ tiêu hủy theo ô chuồng. Vì mục đích kinh tế nên bà con ngại khai báo với chính quyền địa phương, thậm chí khi khai báo thì các chính sách hỗ trợ chưa kịp thời nên khi bị dịch, lợn trong chuồng to thì bà con sẵn sàng bán chạy để thu hồi vốn.
Dù có thể khi bán chạy, người nuôi không được nhiều tiền bằng chính sách hỗ trợ nhưng bà con thích tiền tươi, thóc thật hơn. Trong khi khai báo sẽ có rất nhiều thủ tục, chính sách hỗ trợ chậm.
Thứ nữa là do chính quyền địa phương chưa làm nghiêm, chưa làm chặt, chưa xử lý nghiêm trong việc phòng chống dịch bệnh, chưa xử lý các trường hợp cụ thể để làm gương cho người dân xung quanh nên tại các địa phương còn xảy ra tình trạng bán chạy khi bị dịch. Thậm chí, nhiều người còn thiếu ý thức ném lợn chết ra sông, suối khiến cho dịch bệnh lây lan nghiêm trọng hơn.
Theo ông, để người dân yên tâm sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi tiêm cho vật nuôi, cần phải thay đổi những gì?
- Theo tôi, các địa phương cần kiểm soát, rà soát chặt đầu vào, đầu ra tại các trang trại, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch bệnh để răn đe. Mặt khác,nâng cao ý thức để người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, trong đó có Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, đó là phải khai báo với chính quyền địa phương để khi chăn nuôi thuận tiện hơn. Nếu chăn nuôi không thuận lợi thì bà con sẽ được hỗ trợ theo chính sách của nhà nước.
Bởi khi người dân đã khai báo với chính quyền địa phương mà không may xảy ra dịch thì bà con sẽ hỗ trợ nhưng khi không khai báo không được hỗ trợ còn bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Theo đó, truyên truyền tốt cũng là giải pháp rất quan trọng.
Chúng ta cũng phải thay đổi cách thức tuyên truyền, cách tiếp cận với người chăn nuôi để cả hệ thống cộng đồng người dân vào cuộc. Trong đó, cần sự vào cuộc của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... hay thông qua các cuộc họp của tổ dân phố, qua các sinh hoạt hàng ngày để bà con sẵn sàng lên tiếng. Nếu như một hộ không chấp hành, thiếu ý thức trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh thì cộng đồng sẽ lên tiếng ngay và địa phương cũng có giải pháp, xử lý kịp thời.
Việc tuyên truyền, chúng ta nên đi sâu vào nâng cao ý thức cộng đồng, ngoài việc tuyên truyền trên đài phát thanh, chúng ta phải truyền thông đến tổ dân phố, chi bộ. Hiện giờ đảng viên sinh hoạt 2 chiều, ai vi phạm người ta sẽ biết ngay.
Việc tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho người chăn nuôi cách thức phát hiện khi vật nuôi bị dịch, nhất là dịch tả lợn châu Phi, như thông qua các triệu chứng lâm sàng như biểu hiện tím tái trên da, bại liệt, còi cọc hay lợn nái bị dịch thường chết nhanh...
Đặc biệt, chúng ta phải nâng cao hệ thống chuyên ngành thú y. Hiện nay, hệ thống thú y cơ sở, thú y cấp xã đã có thay đổi lớn. Đối với cấp huyện đã thành lập Trung tâm DVNN nên việc quản lý nhà nước với hệ thống thú y, trong đó các phòng chống dịch bệnh chưa được hiệu quả.
Nếu đúng theo Luật Thú y, trên cấp tỉnh có Chi cục Thú y hoặc Chi cục Chăn nuôi - Thú y, cấp huyện có trạm thú y có chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thú y, trong đó phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh lớn như dịch tả lợn châu Phi.
Theo tôi về lâu dài, để thực hiện chiến lược về chăn nuôi nói chung và chiến lược phòng chống dịch bệnh nói riêng, chúng ta vẫn phải thực hiện theo đúng Luật Thú y hoặc ở cấp xã cũng cần có một cán bộ thú y chuyên trách để rà soát, kiểm soát đàn vật nuôi và phát hiện sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời các ổ dịch.
Chúng tôi rất mong sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền. Bởi việc chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, còn các cơ quan thú y chỉ có vai trò tham mưu, đề xuất giải pháp, kế hoạch như tổ chức tiêm phòng, phun xử lý môi tường, hướng dẫn người dân xử lý gia súc khi chết, xảy ra dịch bệnh.
Khi các cơ quan truyền thông tiếp tục làm mạnh và đổi mới hơn các phương thức tuyên truyền, tôi tin tưởng công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng chống dịch tả lợn châu Phi nói riêng sẽ có chuyển biến mới, tích cực hơn trong thời gian tới.
Một trong những bất cập lớn hiện nay, đó là chế độ cho đội ngũ thú y viên cơ sở khá thấp. Theo ông, cần cải thiện chính sách này như thế nào?
- Hiện nay chế độ đối với người trực tiếp quản lý tại địa phương chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Như chế độ vẫn rất thấp, như ở Hà Nội chăn nuôi lớn nhưng chế độ thú y cấp xã hưởng chế độ như cán bộ không chuyên trách khoảng 1,86, phường có 1,44, trong khi đó địa bàn hoạt động rất rộng.
Một khó khăn nữa, đó là đầu gia súc lớn nhưng còn chăn nuôi nhỏ lẻ, như một xã có 10.000 con lợn, đối với các trang trại thì vài trại có được số lượng trên nhưng với các nông hộ thì rất lớn nên việc quản lý rất khó khăn, chưa kể việc kiểm soát giết mổ, tiêm phòng mỗi năm mấy đợt. Tất nhiên khi có đợt tiêm lớn sẽ được huy động và tính phí theo từng đầu vật nuôi nhưng cũng không lại.
Về lĩnh vực ngành, chúng tôi biết rất rõ các bất cập trong chế độ của thú y cơ sở nhưng để cải thiện được vấn đề này cần phải từ trung ương, chỉ đạo đến các tỉnh mới giúp chế độ của các đối tượng này được nâng lên. Qua đó giúp chúng ta vừa thực hiện theo đúng luật, vừa gắn trách nhiệm thực thi công với các đối tượng thú y cơ sở.
Tôi thấy đối tượng thú y cơ sở thường xuyên làm việc rất vất vả, tất nhiên bên cạnh đó nhiều nơi vẫn làm tốt. Các chế độ, chính sách cũng chỉ một phần thôi, các thú y cơ sở còn khâu làm dịch vụ để nâng cao thu nhập cho mình.
Hiện nay, chăn nuôi nhỏ lẻ của chúng ta còn cao, vì Việt Nam đang còn trong giai đoạn quá độ. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 đến 2030, tầm nhìn 2045, nói rõ là các tỉnh, thành phố có kế hoạch cụ thể để triển khai chiến lược quan trọng này.
Trong khi đó, việc quy hoạch, mở rộng chăn nuôi tập trung, nhân rộng mô hình chăn nuôi gắn với liên kết chuỗi, giết mổ tập trung thì việc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm dần. Hoặc một khi xảy ra các đại dịch lớn thì chăn nuôi nhỏ lẻ không thể tồn tại được. Đây cũng là xu hướng tất yếu.
(Ông Nguyễn Ngọc Sơn)
Xin cảm ơn Ông!