Những ngày qua, người dân cả nước xôn xao về "sư Thích Minh Tuệ" (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vì mặc trang phục mang hình thức như tu sĩ Phật giáo, đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam.
Để tìm hiểu kỹ hơn về con người này, PV Dân Việt đã tìm gặp gia đình của ông ở xã Ia Tô (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).
Cụ Lê Xuân (84 tuổi, bố của ông Lê Anh Tú) kể, cách đây hơn 30 năm, cả gia đình ông từ huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) vào huyện Ia Grai để lập nghiệp. Vợ chồng cụ Xuân có 4 người con, trong đó ông Lê Anh Tú là người con thứ 2.
Theo cụ Xuân, ông Tú từ nhỏ là người con trai lành hiền, hiếu thảo, học lực khá nên được mọi người quý mến. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Tú lên đường nhập ngũ. 3 năm sau, ông xuất ngũ rồi theo học Trường Trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên (Gia Lai).
Ra trường, ông Tú làm việc một tại công ty tư nhân ở Đắk Lắk. Trong thời gian này, ông Tú thường đọc những sách về Phật nên đã phát nguyện ăn chay, tu tại gia.
Đến năm 2015, ông Tú bất ngờ xin gia đình đi Tu. Quyết định này của ông Tú nhận được sự ủng hộ của vợ chồng cụ Xuân.
"Lúc ấy, tôi đã khuyên Tú rằng, đi tu rất khó khăn mà đã quyết tâm thì phải tu trọn vẹn, tu thành chính quả, phải chân cứng đá mềm, không ham mê tiền bạc, vật chất, không rượu chè cờ bạc. Khi đi, Tú để lại cho tôi một cái đồng hồ, điện thoại, tủ lạnh, 8 mét vải màu vàng. Từ đó đến nay, tôi chưa gặp lại con trai", cụ Xuân nhớ lại.
Mấy ngày qua, gia đình cụ Xuân được người dân trong thôn cho xem video về con trai mình gầy gò trong trang phục như tu sĩ Phật giáo, đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Từ đó, 2 vợ chồng rất thương.
"Vợ tôi sau khi xem xong video thì khóc lóc, cảm thấy khổ tâm khi thấy con ngày chỉ một bữa ăn chay. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là rèn luyện bình thường", cụ Xuân chia sẻ.
Ông Trịnh Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Ia Tô cho biết, thời gian vừa qua, nhiều người cũng đến gia đình cụ Lê Xuân để hỏi thăm về chuyện của ông Tú.
"Địa phương thấy việc ông Tú đi tu là nguyện vọng cá nhân và cũng là điều bình thường. Mọi người nên để sự việc tự nhiên, tránh tình trạng thần tượng hóa việc này", ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng nói thêm, trước đó gia đình cũng chia tài sản cho ông Tú nhưng ông không nhận và quyết tâm đi tu.
PV Dân Việt cũng đã tìm về xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), nơi ông Thích Minh Tuệ (tức Lê Anh Tú) sinh ra.
Tuy lớn tuổi nhưng những ngày gần đây, cụ Lê Mậu (72 tuổi, chú ruột ông Thích Minh Tuệ) luôn cập nhật tình hình ảnh, thông tin về ông Thích Minh Tuệ thông qua các trang mạng xã hội.
Cụ Mậu nói: "Gia đình tôi có 5 người. Trong 5 anh em, có 4 người tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khoảng những năm 90 các anh, chị, em của tôi quyết định vào Nam để phát triển kinh tế.
Năm 1997, anh Lê Xuân quyết định mang theo gia đình vào Gia Lai để định cư và lập nghiệp. Hiện nay chỉ còn gia đình tôi ở lại trên đất hương hỏa để thờ cúng gia tiên".
Cụ Lê Mậu cho biết: "Con trai tôi cũng bằng tuổi Tú, lúc nhỏ nó rất hay qua nhà tôi để chơi với em. Tú là đứa học giỏi, lễ phép và khôi ngô. Cháu được họ hàng, bà con lối xóm yêu thương, quý mến".
"Gia đình anh tôi có 4 người con (3 trai, 1 gái), Tú là con thứ 2. Anh chị tôi là cán bộ về hưu, các con ai cũng thành đạt, sung túc. Riêng Tú sau học hết phổ thông, lên đường đi nghĩa vụ sau chuyển sang học trung cấp, làm đo đạc địa chính cho một công ty tư nhân cũng gọi là có công việc tốt.
Đây là nghiệp quả của cháu, tôi ủng hộ. Thông qua mạng xã hội thấy cháu ăn uống kham khổ, người gầy, đen cũng rất thương cháu, tôi mong cháu có nhiều sức khỏe để thành tự trên con đường tu tập", cụ Mậu tâm sự.
Ông Nguyễn Tiến Ba, trú tại thôn Xuân Dục, xã Kỳ Tân (hàng xóm nhà ông Thích Minh Tuệ hồi nhỏ), cho biết: "Khi Tú học hết bậc THCS, gia đình quyết định vào Nam lập nghiệp. Thấy Tú trên con đường tu tập học đạo mà có nhiều người yêu quý, tôi cũng mừng cho cháu. Khi Tú còn ở đây, tôi rất ấn tượng, cháu có ngoại hình hơi nhỏ và da ngăm đen. Tú lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng với mọi người, đi gặp ai cũng chào, nếu ai cần giúp thì cháu sẵn sàng hỗ trợ".
Ông Nguyễn Văn Hưng (họ hàng bên ngoại với ông Thích Minh Tuệ) tâm sự: "Tôi và Tú cùng sinh năm 1981 lại là họ hàng bên ngoại nên thường xuyên đi chơi với nhau lúc trẻ. Lúc nhỏ Tú cũng giống các bạn bè khác, thường xuyên chơi với các bạn bè trong xóm, cùng nhau đá bóng, tham gia các hoạt động văn hóa ở địa phương. Tú hiền lành, bạn bè ai cũng quý.
"Tú đi bộ hành được nhiều năm rồi. Năm trước, Tú đi qua nhà tôi, gặp nhau có dừng lại nói chuyện một lúc hỏi thăm tình hình sức khỏe và Tú cho con tôi kẹo. Sau đó Tú tiếp tục công việc của mình, nhiều lần bộ hành qua nhà nhưng chưa có lần nào Tú ngủ lại mà nghỉ ngơi tại các nghĩa địa hoặc ở trong núi", ông Nguyễn Văn Hưng cho biết.