Hà Tùng Long
Chủ nhật, ngày 19/05/2024 07:00 AM (GMT+7)
Tại sao ông Minh Tuệ lại được dân chúng quan tâm tới vậy? Mặc dù ngay từ đầu, ông luôn khẳng định mình không phải tu sĩ nhưng vẫn được hàng triệu người dân gọi là "sư", là "thầy"…? Đi đến đâu ông cũng được người dân đón tiếp, kính trọng, cúng dường hoặc tìm đến đảnh lễ?
Trong nhiều ngày qua, "Minh Tuệ" hoặc "sư Thích Minh Tuệ" trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Google. Chỉ riêng trên công cụ tìm kiếm Google, seach từ khóa "Minh Tuệ" đã cho ra 87.200.000 kết quả trong vòng 0,60 giây.
Điều đó cho thấy, ông Lê Anh Tú (43 tuổi) quê gốc ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh - người được dư luận quen gọi là "sư Minh Tuệ" hay "sư Thích Minh Tuệ" đang được quan tâm tới cỡ nào.
Tại sao ông Minh Tuệ lại được đông đảo dân chúng quan tâm tới vậy? Từ đầu đến cuối, ông luôn khẳng định mình không phải tu sĩ nhưng vẫn được hàng triệu người dân gọi là "sư", là "thầy"…? Đi đến đâu ông cũng được người dân đón tiếp, yêu quý, kính trọng, cúng dường hoặc tìm đến đảnh lễ?
Không chỉ ngoài đời thực, lướt một vòng trên mạng xã hội cũng rất dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người chưa gặp ông Minh Tuệ bao giờ nhưng cũng dành cho ông sự thiện cảm rất lớn. Không chỉ có người dân bình thường mà còn có cả nhiều vị Tăng, Ni cũng đến hành lễ trước ông, công khai bày tỏ niềm thương kính đối với ông.
Phải chăng vì ông Minh Tuệ trùng khớp với "hình mẫu" của một vị tu sĩ hiền lành, chân chất bình dị, khiêm cung hòa ái, không theo đuổi vật chất, từ bỏ mọi tiện nghi để theo lối khổ hạnh (lối tu mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng tu trong giai đoạn đầu theo đạo), tu chỉ mong được hoàn thiện mình… mà nhân dân đang khao khát nên người ta theo ông, kính ông và tôn ông như một vị sư?
Phải chăng, đã đến lúc người dân không còn khuôn mình trong khái niệm "sư" là phải gắn với một ngôi chùa, "sư" là phải đức cao vọng trọng ngồi thượng tòa giảng pháp, "sư" là phải thuộc tăng đoàn và phải có sự công nhận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam… mà chỉ cần "sư" là người mà soi rọi vào đó, họ được đánh thức niềm tin, được mở rộng nhân tâm, được thấu hiểu giáo lý của đức Phật ở khía cạnh bình dị nhất.
Và nếu hiểu theo nghĩa đó thì phải chăng ông Minh Tuệ đã xuất hiện như một phép thử, như một hồi chuông cảnh báo để nói lên nhiều điều.
Nói ngược hay nói xuôi, nói thuận hay nói nghịch…, rõ ràng sự xuất hiện của ông Minh Tuệ với hành trình bộ hành từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc với sự khiêm cung, giản dị, khổ hạnh, từ bỏ mọi vật chất, luôn hòa ái dù với mọi người, luôn giữ sự bình thản ngay cả khi bị đánh hoặc được tung hô… là điều trước nay hiếm có ai làm được.
Phải nói thêm rằng, ông Minh Tuệ đã thực hiện hành trình xuyên Việt 4 lần. Cả 4 lần đó ông đều đi qua tất cả các tỉnh thành của Việt Nam và hoàn toàn không bị ngăn trở bởi bất kỳ ai. Điều đó chứng tỏ, Nhà nước Việt Nam rất tôn trọng quyền tự do và tín ngưỡng của mỗi người. Miễn là lối tín ngưỡng đó không ảnh hưởng gì đến xã hội, không gây ảnh hưởng đến Phật giáo, không vi phạm pháp luật…
Bản thân ông Minh Tuệ cũng luôn cố gắng thực hiện tốt trách nhiệm của một công dân khi khuyến tấn mọi người gặp ông rồi nên trở lại với công việc, tránh tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông và an ninh trật tự xã hội.
Đến nơi đâu, ông cũng chỉ chọn những khoảng đất trống trong nghĩa trang để dừng chân nghỉ ngơi chứ không đến những nơi công cộng. Đó cũng là điều khiến người ta thêm yêu quý ông hơn.
Tuy nhiên, có một điều thật đáng tiếc… khi mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản khẳng định ông Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vô tình gây nên tranh cãi trái chiều trong dư luận. Những tranh cãi gay gắt đã vô tình làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Giáo hội.
Đáng ra, Giáo hội không cần thiết phải ra văn bản này bởi bản thân ông Minh Tuệ chưa bao giờ nhận mình là tu sĩ hoặc thuộc về một ngôi chùa nào cả. Bản thân Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho là không cần thiết phải có văn bản này.
Đối tượng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần nhắm tới để cảnh tỉnh, cảnh báo Tăng - Ni, Phật tử… có lẽ phải là đội ngũ YouTuber, Tiktoker, Facebooker… Chính sự săn lùng, chính sự cắt ghép clip và bất chấp mọi yếu tố để câu view/câu like của đội ngũ "bậu sậu" này đã làm cho mọi chuyện trở rối tung, rối mù. Chính họ đã tạo nên sự tung hô quá đà và sự kích động của một bộ phận.
Việc ông Minh Tuệ "bị" tung hô, bị săn đón, bị biến thành "hiện tượng mạng" là ngoài sự kiếm soát của ông. Do đó, nếu phải ra văn bản để chấn chỉnh sự việc, đánh động với toàn thể Tăng - Ni, Phật tử thì Giáo hội nên đề cập và đưa ra giải pháp để chấn chỉnh hiện tượng "tung hô quá đà" của các YouTuber, Tiktoker, Facebooker… mới thấu tình đạt lí.
Nói như Hòa thượng Thích Gia Quang, mọi chuyện ồn ào như vậy là đã quá đủ. Bây giờ hãy để cho ông Minh Tuệ được yên thân thực hành tâm nguyện của mình như ba lần bộ hành xuyên Việt trước đây. Hãy để ông được trở về với thân phận của một người "thực hành những lời đức Phật dạy, nhằm hoàn thiện bản thân" như ông đã nhiều lần chia sẻ.
Việc tụ tập đông người đi theo ông Minh Tuệ không những cản trở bước chân của ông, làm mất thời gian của ông mà đôi khi còn gây rắc rối không đáng có cho ông. Đó là chưa nói đến, việc tụ tập đông người đôi khi gây mất an ninh trật tự, ách tắc giao thông và tạo nên những hình ảnh không đẹp.
Về phía ông Minh Tuệ, có nhiều người cho rằng, sau 4 lần bộ hành xuyên Việt, có lẽ ông nên nhập thất để nghỉ ngơi và tu tĩnh (thay vì tu động như hiện nay). Bởi việc thực hành hạnh đầu đà không chỉ có khất thực mà còn có cả thiền, có cả nghiên cứu kinh điển, luật luận của nhà Phật.
Việc mở mang trí tuệ và đức hạnh thông qua việc đọc, học… kinh điển, luật luận là rất cần thiết. Việc đó còn giúp cho sự tung hô quá đà ngoài kia sẽ lắng xuống, để vô thường vận hành theo đúng quy luật vốn dĩ của nó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.