Dân Việt

Hà Nội sẽ chi 190 tỷ đồng cải tạo trụ sở UBND thành phố sau gần 40 năm công trình đi vào hoạt động

Bách Thuận 20/05/2024 07:45 GMT+7
HĐND TP.Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, kinh phí trích từ ngân sách và thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2025. Hà Nội dự kiến sẽ chi 190 tỷ đồng để cải tạo trụ sở UBND thành phố sau gần 40 năm công trình đi vào hoạt động.

Cụ thể, HĐND TP.Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, kinh phí trích từ ngân sách và thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.

Theo tờ trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP.Hà Nội, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư cho 01 dự án nhóm B (Cải tạo, nâng cấp Trụ sở UBND thành phố Hà Nội) với tổng mức đầu tư dự kiến nêu trên, nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 dự kiến 185 tỷ đồng.

Trụ sở UBND TP.Hà Nội có 3 cổng, cổng chính tị số 79 Đinh Tiên Hoàng, 2 cổng số 10 và 12 Lê Lai.

Hà Nội sẽ chi 190 tỷ đồng cải tạo trụ sở UBND thành phố sau gần 40 năm công trình đi vào hoạt động- Ảnh 1.

TP.Hà Nội dự kiến sẽ chi 190 tỷ đồng để cải tạo trụ sở UBND thành phố. Ảnh: DX

Dự án đề xuất cải tạo nhà làm việc 2 tầng số 10 Lê Lai (trụ sở Sở Ngoại vụ cũ) thành phòng làm việc của các Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, của chuyên viên văn phòng UBND thành phố và phòng họp.

Dự án cũng đề xuất cải tạo nhà làm việc số 12 Lê Lai thành một phòng họp hiện đại, phòng khách và phòng đa năng. Với nhà làm việc ở số 79 Đinh Tiên Hoàng, dự án đề xuất sẽ cải tạo các phòng từ tầng 4 đến tầng 6 cùng toàn bộ phần mái, cầu thang bộ, thang máy.

Đáng chú ý, mặt ngoài tòa nhà đối diện Hồ Gươm sẽ được ốp đá và sơn lại toàn bộ; khuôn viên mặt trước cũng được chỉnh trang cổng, hàng rào, gạch lát, cây xanh.

Sẽ có một số hạng mục mới sẽ được xây dựng: Nhà để xe kết hợp khu lưu trữ cơ quan với diện tích 235 m2, cao 4 tầng; lắp phù điêu phía ngoài phòng họp 204; lắp dựng biểu tượng thành phố vì hòa bình.

Theo UBND TP.Hà Nội, trụ sở UBND thành phố hiện có nhiều vị trí bị bong tróc, thấm dột, nứt vỡ và xuống cấp nghiêm trọng nên việc đầu tư cải tạo là cần thiết để đảm bảo điều kiện làm việc, làm đẹp cảnh quan khu vực Hồ Gươm.

Cơ quan này cũng cho biết, quá trình nâng cấp cũng không làm thay đổi chức năng sử dụng đất và mật độ xây dựng hiện có của khu đất.

Theo UBND TP.Hà Nội, các địa chỉ số 10-12 phố Lê Lai và số 79 phố Đinh Tiên Hoàng không có trong danh mục công trình biệt thự, nhà cổ, có giá trị kiến trúc trước năm 1954. TP.Hà Nội dự kiến có đề xuất bổ sung quần thể trụ sở UBND TP, Sở Ngoại vụ vào danh mục.

Trụ sở UBND TP.Hà Nội được xây dựng giai đoạn 1985-1987 với diện tích xây dựng trên 5.500 m2, tổng diện tích sàn hơn 16.000 m2.

Bên cạnh Dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND TP.Hà Nội, HĐND TP.Hà Nội cũng vừa phê duyệt 7 dự ánnhóm B, với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 1.100 tỷ đồng, thực hiện trong 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Trong đó có 5 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.000 tỷ đồng sử dụng ngân sách thành phố và 1 dự án nhóm B sử dụng ngân sách huyện Hoài Đức có mức đầu tư dự kiến là 125 tỷ đồng.

Gồm có các dự án: Dự án xây dựng Trường phổ thông nhiều cấp học, tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao huyện Gia Lâm, với tổng mức đầu tư dự kiến 693 tỷ đồng.

Dự án Chỉnh trang mặt bằng do Bộ Quốc phòng và hai hộ gia đình lão thành cách mạng bàn giao - giai đoạn II, với tổng mức đầu tư dự kiến 118 tỷ đồng.3 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến 171 tỷ đồng, nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 dự kiến 106 tỷ đồng.

Dự án đầu tư giai đoạn 2 Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, với tổng mức đầu tư dự kiến 79 tỷ đồng.Dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 125 tỷ đồng, sử dụng ngân sách huyện Hoài Đức.