Vài năm trở lại đây, thuyền thúng composite ra đời, chiếm thị phần vì độ bền, bảo quản dễ dàng hơn so với thuyền thúng truyền thống. Từ đó, nhu cầu sử dụng thúng chai ít, người làm thúng bỏ nghề tìm công việc khác.
Trong khi nhiều hộ bỏ nghề đan thúng chai, vợ chồng anh Trương Văn Trung và chị Trương Thị Bích Kiều ở xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) lại làm giàu từ nghề này. Việc làm ở cơ sở anh chị có quanh năm, nhờ vào các đơn đặt hàng chuyên phục vụ các khu du lịch trong và ngoài nước.
"Thúng chai của cơ sở tôi được các công ty đặt hàng bán xuất khẩu sang Thụy Sĩ, Hà Lan, Trung Quốc, Singapone, Úc... để làm du lịch", chị Kiều chia sẻ.
Theo chị Kiều, để làm thúng chai, công đoạn đầu tiên là chọn tre. Tre để làm thúng phải chọn loại tre mỡ, không già cũng không non mới tạo độ bền cho sản phẩm.
Sau khi mang tre về, người thợ chuốt lớp vỏ bên ngoài thành từng thanh mỏng rồi mang ra phơi 4-5 nắng, để nan tre có độ dẻo không bị gãy trong quá trình đan.
Anh Trung, người có 20 năm kinh nghiệm trong nghề đan thúng chai, cho biết để lận được vành thúng, người thợ phải đào hầm đất làm khuôn, rồi đưa nguyên tấm mê tre đã đan xuống hầm.
"Công đoạn lận là khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy người thợ làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng và thẩm mỹ", anh Trung chia sẻ.
"Phân bò để trét thúng chai phải là phân bò tươi, không dính nước tiểu. Thúng chai không được trét phân bò sẽ thấm nước ngay", anh Trung chia sẻ.
Sau khi để khô, người làm công sẽ quét dầu rái (dầu từ cây rái - cây nguyên liệu chế biến sơn, dầu bóng) chồng lên lớp phân bò.
Ông Võ Văn Khương, Chủ tịch UBND xã An Dân, huyện Tuy An, cho biết trước đây địa phương có hàng chục hộ dân theo nghề làm thúng chai. Tuy nhiên, sau khi thúng composite ra đời, lao động đi biển ít sử dụng thúng truyền thống nên nhiều người bỏ nghề.
Chủ tịch xã An Dân thông tin thêm, hiện nay tại địa phương có 10 hộ với 100 lao động còn bám nghề làm thúng chai. Thuyền thúng của địa phương đang được nhiều nước trên thế giới đặt hàng thông qua hộ bà Kiều, ông Trung.
"Trong thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân bám nghề để giải quyết công ăn việc làm. Bên cạnh đó, đưa thuyền thúng đi đăng ký OCOP (chương trình mỗi địa phương một sản phẩm thế mạnh) để nâng thương hiệu của sản phẩm", ông Khương cho hay.