Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi liệt kê những lăng tẩm đế vương hoành tráng và giá trị bậc nhất lịch sử Trung Quốc thế nhưng ở phía nam của đất nước tỷ dân, các nhà khảo cổ cũng tìm ra một lăng mộ giá trị không kém: Đó là lăng mộ tam giác "độc nhất vô nhị" của vương quốc Ư Việt - quốc gia này được biết đến nhiều nhất khi là quê nhà của nàng Tây Thi - đại mỹ nhân trứ danh thời kỳ Xuân Thu.
Vương quốc tồn tại từ năm 2032 TCN tới năm 222 TCN, trải qua các thời kỳ Hạ, Thương, Tây Chu, Xuân Thu và cuối cùng bị nước Sở tiêu diệt.
Không nhiều ghi chép nổi bật trong sách sử về quốc gia này, nhưng nghi thức chôn cất và lăng mộ hoàng đế Ư Việt được các nhà khảo cổ tìm thấy sau này lại vô cùng đáng chú ý.
Những năm 1990, lăng Việt Vương đã được khai quật trên Núi Ấn ở ngoại ô thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ngọn núi nhỏ cao 24m, từ đông sang tây dài 300m, từ bắc sang nam cũng 300m, xung quanh bằng phẳng vuông vắn như chiếc ấn ngọc nên người ở đây gọi là Núi Ấn.
Theo Baike, giữa vách đá, các nhà khảo cổ tìm thấy một một đường hầm xuyên núi vô cùng ấn tượng, mở ra hầm mộ hình chữ nhật có chiều dài 46m (chưa bao gồm mộ đạo), chiều rộng 14m và sâu 12,4m.
Tổng chiều dài của lăng mộ bao gồm cả lối vào là 100m, được đào thủ công; ước tính khối lượng đá núi phải đào là 10.000m khối.
Thông qua phương pháp định tuổi bằng cacbon-14, các chuyên gia xác định lăng mộ hoàng gia này được xây dựng vào thời Xuân Thu và đã nằm yên dưới lòng đất 2.500 năm.
Các nhà khảo cổ hiện vẫn chưa thể xác định chính xác chủ nhân lăng mộ là ai nhưng nhiều ý kiến cho rằng người được chôn cất trong lăng sẽ là một trong hai vị vua Doãn Thường hoặc Câu Tiễn (vì đây là hai vị vua Ư Việt lập công lớn dưới thời Xuân Thu).
Toàn bộ khu lăng mộ Núi Ấn chia thành 3 gian, tiền, trung và hậu; giữa các gian có bậc tam cấp. Bước vào trong cùng lăng, các nhà khảo cổ vô cùng bất ngờ khi thấy một buồng quan tài khổng lồ có hình dáng khác biệt hoàn toàn với những quy cách mai táng từng thấy trước đây.
Theo trang QQ, buồng quan tài này dài hơn 30m, đáy rộng 5m, chiều cao 4m. Mặt cắt của mộ có hình chữ nhân (人) hay hình tam giác cân, hai bên thành mộ có 140 vỏ cây gỗ tựa chéo nhau, tạo thành bức tường bảo vệ vững chãi.
Những cây gỗ này đều là gỗ quý được nhuộm đen bằng than củi. Đây là buồng quan tài tam giác đầu tiên được tìm thấy trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.
Từ trước tới nay, các ngôi mộ cổ đều thuận theo triết lý "trời tròn, đất vuông" nên buồng mộ và quan tài người chết đều có hình vuông hoặc hình chữ nhật với hy vọng những người đã khuất có thể sống an nhàn, thuận hòa dưới lòng đất. Vậy ngôi mộ tam giác của Việt Vương có ý nghĩa gì thì vẫn còn là câu hỏi lớn.
Khi khám phá bên trong buồng mộ, món báu vật vô giá được các chuyên gia tìm thấy chính là một cỗ quan tài dài 6,1m, chiều rộng 1,1m và cao 0,4m.
Quan tài được đẽo nguyên khối từ một cây gỗ lớn, 1.000 năm tuổi, vừa vặn cho một người nằm, bên trong bên ngoài đều được sơn chống mối mọt và mài nhẵn như gương, chế tác vô cùng tinh xảo.
Bản thân cây gỗ được chọn làm áo quan cũng có tuổi đời hơn 1.000 năm, theo sử sách thì cây gỗ này được chọn từ khu rừng nguyên sinh Thiệu Hưng rậm rạp.
Lăng mộ Núi Ấn không chỉ có quy mô hoàng tráng mà còn được thiết lập hệ thống chống ẩm vô cùng khoa học. Bên ngoài 140 vỏ cây gỗ cứng cáp, những người thợ cẩn thận trát thêm lớp than củi dày 1m, rồi phủ lên toàn bộ ngôi mộ lớp đất sét xanh có tác dụng hút ẩm chuyên biệt.
Một lớp than củi dày 1,65m cũng đã được lót dưới đáy mộ với cùng tác dụng trên. Chính lớp bảo vệ tuyệt đối này đã giúp cho chiếc quan tài và những bảo vật bên trong vẫn còn khô ráo, nguyên vẹn dù bốn bề xung quanh Núi Ấn đều là nước.
Điều kỳ lạ nhất là khi mở quan tài gỗ nguyên khối này, các nhà khảo cổ không tìm thấy bất kỳ bộ hài cốt nào. Theo nhận định, có thể mộ tặc đã "viếng thăm" lăng mộ nhiều lần nên hàng loạt báu vật và cả thi thể của Việt Vương đều bị đánh cắp.
Những bằng chứng khảo cổ cho thấy lăng đã bị đột nhập ít nhất 7 lần, hầu hết là vào thời điểm không lâu sau khi chôn cất.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ vẫn thu thập được hơn 40 di vật văn hóa như đồ ngọc, gươm ngọc, đồ đá, đồ sơn mài, đồ đồng cùng các công cụ xây dựng thô sơ bằng đồng và gỗ.
Những công cụ được tìm thấy trong lăng đã cho thấy năng suất xây dựng thời kỳ này rất thấp nên một lăng mộ quy mô hoành tráng như trên sẽ phải mất ít nhất 10 năm để hoàn thành.
Chính sự công phu trong quá trình xây dựng cùng với thiết kế "độc nhất vô nhị" của buồng mộ và quan tài đã đưa Lăng mộ Việt Vương trở thành một trong những lăng mộ có giá trị lịch sử cao nhất, là chứng tích quý giá còn sót lại từ vương triều Ư Việt.