Ông Johnson tuyên bố rằng Quốc hội Mỹ đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt, để trừng phạt ICC và đảm bảo trách nhiệm giải trình đối với ban lãnh đạo của ICC nếu họ tiến hành lệnh bắt giữ đối với ông Netanyahu.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải lên án quyết định của ICC.
Động thái của Mỹ diễn ra sau khi Công tố viên trưởng ICC Karim AA Khan hôm 20/5 thông báo về việc đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ đối với ông Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và các lãnh đạo hàng đầu của Hamas là Yahya Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh, cáo buộc họ phạm tội ác chống lại loài người trong thời gian gần đây khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ ở Gaza. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã thúc giục Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ICC vì đánh đồng sự tự vệ của một quốc gia hòa bình với các nhóm cực đoan.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries mô tả lệnh bắt giữ này là " đáng xấu hổ và không nghiêm túc". Ông Jeffries cho rằng, cần phải thu hồi thị thực đối với những thành viên ICC điều tra hoặc truy tố các quan chức hoặc đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden tố cáo đơn xin lệnh bắt giữ của công tố viên ICC là "thái quá", khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với an ninh của Israel. Ngoại trưởng Antony Blinken cũng phản đối việc ICC đánh đồng Israel và Hamas, cảnh báo rằng thông báo của ICC có thể gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán về thỏa thuận con tin và lệnh ngừng bắn. Ông nhắc lại lập trường của Mỹ rằng ICC thiếu thẩm quyền đối với vấn đề này.
Trong khi đó, châu Âu đã chia rẽ về việc ICC xin lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Israel và các quan chức cấp dưới. Anh và Ý đã chỉ trích quyết định của tòa ICC, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho rằng việc xin lệnh bắt giữ với các quan chức Israel và cả các lãnh đạo Hamas vì cuộc chiến ở Gaza là "không thể chấp nhận được".
Đáng chú ý, Pháp lại đi ngược với các đồng minh phương Tây, bày tỏ sự ủng hộ đối với ICC khi cơ quan này xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu và lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hamas Yahya Sinwar.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày 20/5 rằng: “Về vấn đề Israel, Ban tiền xét xử của tòa án sẽ quyết định có ban lệnh bắt giữ hay không, sau khi xem xét các bằng chứng do công tố viên trình lên để hỗ trợ cáo buộc của ông ấy. Pháp ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế, sự độc lập của cơ quan này và cuộc chiến chống lại hành vi được miễn tội trong mọi hoàn cảnh”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ.
Tương tự Pháp, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell nhấn mạnh, các bên tham gia quy chế của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có nghĩa vụ thực thi các phán quyết của Tòa.
"Nhiệm vụ của ICC, với tư cách là một tổ chức quốc tế độc lập, là truy tố những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế. Tất cả các quốc gia đã phê chuẩn quy chế của ICC đều có nghĩa vụ thi hành các quyết định của Tòa án", ông Borrell nhấn mạnh.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu chỉ trích đề nghị của ICC, đồng thời khẳng định những động thái như vậy không thể ngăn cản chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas.
Theo trang tin Axios, chính ông Netanyahu đã đề nghị Tổng thống Mỹ Biden can thiệp để ICC hủy đề nghị trên.