Theo số liệu từ Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tính đến 31/12/2023, cả nước có gần 2 triệu trẻ em khuyết tật. Đây là nhóm yếu thế, đối mặt với nhiều nguy cơ bao gồm bị phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày. Tài liệu Thúc đẩy sự thay đổi của mọi trẻ em Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026 của UNICEF thống kê, chỉ có khoảng 2,3% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ phục hồi và chỉ có 1 trên 10 trẻ khuyết tật học đến cấp trung học. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ cộng đồng để hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền Vững liên quan đến giáo dục và bất bình đẳng.
Trên thực tế, khi nhắc đến nghề nghiệp tương lai cho các em khuyết tật, các em và phụ huynh đều khá bối rối trong khi theo khả năng thì các em hoàn toàn có thể tìm được công việc phù hợp ở nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số ít phụ huynh nhận ra con mình sớm bộc lộ sở trường ở một lĩnh vực nhất định để có cơ sở định hướng nghề, còn lại, năng khiếu của các em vẫn còn là ẩn số bởi các em học sinh khuyết tật chưa được định hướng toàn diện từ bản thân, gia đình và nhà trường.
Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 2024, SCG và trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện chương trình "Em và Ước mơ nghề nghiệp". Đây là hoạt động nhằm tiếp thêm động lực nuôi dưỡng ước mơ, truyền cảm hứng nghề nghiệp cho học sinh khuyết tật thông qua chuỗi sự kiện hướng nghiệp, thực tập tại địa phương hoặc các doanh nghiệp xã hội.
Ông Praween Wirotpan, Tổng Giám đốc SCG Việt Nam, chia sẻ: "Với định hướng phát triển bền vững, một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là giảm bất bình đẳng thông qua các hoạt động tập trung vào giáo dục và phát triển con người. Sau nhiều năm đồng hành với trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã và đang chứng kiến sự trưởng thành, bản lĩnh vượt qua nghịch cảnh và khao khát thực hiện ước mơ của các em học sinh. Những điều tốt đẹp ấy đã truyền cảm hứng và động lực để SCG tiếp tục góp phần xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho các em.
Năm nay, tập đoàn tạo cơ hội giúp trẻ em khuyết tật tiến gần hơn đến với ước mơ của mình, thông qua các hoạt động truyền cảm hứng và trao quyền, cụ thể là hoạt động hướng nghiệp với cơ hội thực tập tại các cơ sở địa phương. Đặc biệt, chương trình hướng nghiệp còn có sự tham gia của các bậc phụ huynh – những người sẽ đồng hành xuyên suốt với các em trên hành trình hiểu nghề, chọn nghề trong tương lai".