Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: “Liệu có hơn lương công nhân?”

Anh Tuấn Thứ ba, ngày 21/05/2024 12:16 PM (GMT+7)
Hiện chưa có cách tính mới về lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách, tuy nhiên, mới đây đại diện Bộ Nội vụ cho biết khi cải cách tiền lương, Bộ này đề xuất lương khởi điểm của công chức sẽ trên 5 triệu đồng. Mặc dù vui mừng nhưng giáo viên không khỏi băn khoăn liệu lương giáo viên sau cải cách có hơn lương công nhân?
Bình luận 0

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách được đề xuất thấp nhất không dưới 5 triệu đồng

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ngày 21/05/2018, trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.

Bộ Nội vụ đang tiếp thu, giải trình để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị cho ý kiến để thực hiện cải cách tiền lương, với các vấn đề gồm:

Thống nhất 5 thang bảng lương đang được xây dựng và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo quản lý; các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức của lực lượng vũ trang.

Xin ý kiến việc bảo lưu tiền lương, thu nhập đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong trường hợp khi thực hiện xếp lương mới mà thấp hơn lương cũ. Theo tinh thần Nghị quyết 27, lương mới phải đảm bảo không thấp hơn lương cũ.

Thực hiện chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp, để bảo đảm đối tượng cán bộ công chức này có đời sống đáp ứng được với mức lương trên 5 triệu đồng lương tối thiểu - tức là mức lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất không thấp hơn 5 triệu đồng.

Xin ý kiến về việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, để áp dụng mức khoán đối với cán bộ chuyên trách chính quyền cơ sở.

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: “Liệu có hơn lương công nhân?” - Ảnh 1.

Cô trò Trường Tiểu học Phú Tiến, Định Hóa, Thái Nguyên trong một tiết học. Ảnh minh họa: Trường Tiểu học Phú Tiến

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: Liệu có hơn lương công nhân?

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM hồi tháng 10/2023, thầy Lê Văn Lực, Hiệu trưởng trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức) chia sẻ, thời gian qua đã có những sửa đổi, bổ sung trợ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp… Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ.

Mức lương của giáo viên trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, không bằng công nhân lao động phổ thông 8-10 triệu đồng/tháng. Trong khi chi phí tất yếu cho cuộc sống rất cao, không đủ trang trải cuộc sống. Điều này khiến một số giáo viên nghỉ việc, chuyển sang làm việc khác.

Thầy Lực cho rằng, chính sách tiền lương dù trải qua nhiều lần cải cách nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy năng lực và cống hiến.

Là giáo viên trẻ mới công tác được hai năm tại một trường mầm non ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, cô Hoàng Thu Thảo cho biết, cô rất mong mỏi đợt cải cách tiền lương sắp tới.

"Mức lương của tôi hiện nay và cả phụ cấp ưu đãi được gần 4 triệu/tháng, nếu sau cải cách tiền lương như đề xuất là tối thiểu 5 triệu, không chỉ tôi mà nhiều giáo viên trẻ khác cũng phần nào được an ủi và yên tâm với nghề hơn", cô Thảo cho hay.

Cô Thảo chia sẻ thêm, cô cảm thấy khá buồn tủi vì tốt nghiệp bằng đại học nhưng sau tốt nghiệp, đi làm thu nhập lại không bằng bạn bè làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nhiều lúc cô cũng chạnh lòng và muốn bỏ nghề. Cô Thảo băn khoăn, liệu lương giáo viên sau cải cách có hơn công nhân?

Cô Phùng Thị Mơ, giáo viên THPT tại huyện Vụ Bản, Nam Định hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ với mức lương tối thiểu cho cán bộ, công chức là 5 triệu đồng.

"Giáo viên mới vào nghề vô cùng chật vật, trong khi mức lương hiện tại không thể đáp ứng được mức sống tối thiểu ở các vùng quê chứ đừng nói là thành phố lớn. Mức lương tối thiểu tăng lên 5 triệu tuy không phải là bước nhảy vọt nhưng cũng giúp giáo viên cải thiện được đời sống, chú tâm vào việc dạy hơn", cô Mơ cho hay.

"Tôi cũng mong là đề xuất lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất sẽ được Nhà nước lưu tâm. Với những nhà giáo có thâm niên trong nghề, hy vọng được giữ lại phần phụ cấp thâm niên bởi đây là sự ghi nhận cống hiến với nghề của các thầy cô, ít nhất thì sau cải cách tiền lương, chúng tôi có thể sống được bằng đồng lương của chính mình", cô Mơ nói thêm.

Bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ TP.Hà Nội cho biết, theo Nghị quyết 27, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương. Việc người lao động đang hưởng bằng hệ số tiền lương nhân với mức lương cơ bản thì sắp tới sẽ không quy đổi theo hệ số mà quy định bằng một mức tiền nhất định.

Bà Huyền nhấn mạnh, Nghị quyết 27 cũng nêu rõ, đối với giáo viên có khung lương được ưu đãi hơn, có mức phụ cấp nhất định, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì phải chờ văn bản chính thức quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem