Mới đây các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho cụ bà bị tắc ruột do lồng ruột non, một chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, ít gặp ở người già.
Bệnh nhân là cụ bà V.T.Đ 73 tuổi trú tại phường Tân An, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhà đau bụng, buồn nôn, nôn, bụng chướng tăng dần, bí trung đại tiện 2 ngày.
Khi vào viện được các bác sĩ thăm khám và cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả: Siêu âm: Hố chậu phải có hình ảnh khối lồng kích thước 54x49mm, đường kính cổ 18mm, trên một đoạn dài 84mm, thành phần là quai ruột.
Ổ bụng có nhiều quai ruột giãn đường kính chỗ lớn nhất 78mm, trong chứa dịch, có sóng nhu động đảo chiều, giữa các quai ruột có dịch chỗ dày nhất 19mm; XQ: Hình mức nước-hơi vùng bụng bên phải.
Bệnh nhân được chẩn đoán Tắc ruột do lồng ruột non - Sẹo mổ cũ/ Suy thận, suy kiệt có chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Sau hơn 1h, bác sĩ Dương Xuân Hiệp, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Bãi Cháy cùng ê kíp đã tiến hành phẫu thuật tháo lồng, trong qúa trình tháo khối lồng kiểm tra thấy quai ruột còn hồng.
Vị trí lồng có 1 đám polyp ruột non kích thước khoảng 3x4 cm, kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt đoạn ruột non có polyp, lập lại lưu thông tiêu hóa cho bệnh nhân. Sau 5 ngày điều trị, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Theo bác sĩ Hiệp, lồng ruột ở người lớn là bệnh ít gặp nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể gây tắc nghẽn đường cung cấp máu cho ruột dẫn tới hoại tử, nhiễm trùng đường ruột... rất nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
Trường hợp của cụ bà rất đặc biệt, cụ đã 2 lần mổ lồng ruột, mổ sỏi mật. Hiện cụ lại bị gãy xương đùi trái, loãng xương nằm tại giường/ suy kiệt. Vì vậy, sau khi hội chẩn chúng tôi đã thống nhất phẫu thuật tháo lồng để cấp cứu cho cụ.
"Việc lựa chọn các phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào nguyên nhân, thể trạng bệnh nhân. Nếu lồng ruột ở người lớn được phát hiện sớm, khi khối lồng chưa bị hoại tử và viêm phúc mạc thì phẫu thuật sẽ có hiệu quả cao vừa giúp điều trị lồng ruột vừa loại bỏ nguyên nhân bệnh.
Để phòng ngừa chứng lồng ruột ở người lớn cũng gặp khó khăn do ít xảy ra và thường là biến chứng của bệnh lý nào đó.
Chính vì vậy người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám ngay nếu thấy có những triệu chứng bất thường kéo dài. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ hướng dẫn biện pháp chăm sóc, điều trị phù hợp tránh bệnh tái phát cũng như biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra", bác sĩ Hiệp khuyến cáo.