Ghi nhận lúc 13h30 chiều nay 23/5, giá vàng trong nước vẫn giảm sâu so với mở phiên. Hiện giá vàng SJC giao dịch quanh mốc 87,8-89,8 mua vào - bán ra, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với trước giờ mở phiên sáng nay.
Tương tự DOJI giảm 900 nghìn đồng/lượng đối với giá vàng SJC xuống còn 87,8-89,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết tại 87,85 - 89,5 triệu đồng/lượng, bằng giá chiều mua và giảm 600 ngàn đồng/lượng chiều bán so với trước giờ mở phiên sáng nay.
Giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn Phú Quý được giao dịch mua vào - bán ra quanh mức 87,80 - 89,50 triệu đồng/lượng, giảm 550 ngàn đồng/lượng chiều mua và giảm 450 ngàn đồng/lượng chiều bán so với ngày hôm qua.
Trong khi đó, vàng nhẫn 999.9 tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng giảm, bán ra còn 76,8 triệu đồng/lượng, mua vào 75,2 triệu đồng/lượng. Giảm hơn 1 triệu đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch mua-bán 1,6 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn tại PNJ mua vào ở mức 75,15 triệu đồng/lượng và bán ra mức 76,8 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 550.000 đồng và 700.000 đồng so kết phiên trước đó.
Sáng nay, tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024…, các đại biểu Quốc hội đề cập đến câu chuyện giá vàng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhận định, giá vàng thế giới tăng thì trong nước cũng tăng nhưng giá vàng trong nước ngày càng chênh lệch lớn với thế giới. Theo đại biểu, về dài hạn, phải sửa Nghị định 24 của Chính phủ. Đồng thời, các giải pháp trước mắt cũng cần phải rất linh hoạt.
Đặc biệt, đại biểu nhận định, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng để tăng cung nhằm giảm giá nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng hơn. “Tôi nhìn thấy cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là đấu thầu ngược, chính tác nhân đấu thầu làm giá vàng tăng lên vì giá sàn được đặt cao hơn thị trường mà giá sàn cao hơn giá thị trường thì khi người trúng thầu bán ra, người ta phải bán với giá cao hơn giá trúng thầu, đương nhiên giá vàng trong nước phải tăng lên”, đại biểu nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng thời đề xuất phát hành các chứng chỉ vàng. Theo đó, người dân có thể mua vàng bao nhiêu cũng được với giá tham chiếu đưa ra và số vàng đó cứ để ở Ngân hàng Nhà nước. “Khi đó người mua vàng không phải mất công giữ vàng đồng thời cũng điều chỉnh được giá vàng trong nước về ngang với thế giới. Phải điều chỉnh ngay cơ chế về đấu thầu vàng”, đại biểu nhấn mạnh.
Giá vàng trong nước sáng nay giảm sâu trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện đấu thầu vàng sáng nay 23/5 với tổng khối lượng dự kiến đấu thầu 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,9 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so phiên ngày 21/5 (88,6 triệu đồng/lượng). Khối lượng 1 lô là 100 lượng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết thúc phiên đấu thầu vàng sáng 23/5, đã có 11 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng là 134 lô, tương đương 13.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất đạt 88.730.000 đồng/lượng; giá trúng thầu thấp nhất là 88.720.000 đồng/lượng. Như vậy, so với tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tại phiên là 16.800 lượng, số lượng trúng thầu đạt xấp xỉ 80%. Đây là phiên đấu thầu ghi nhận số lượng trúng thầu cao nhất tính đến thời điểm này.
Trong lúc vàng trong nước lao dốc, vàng thế giới cũng "cắm đầu" rời xa mốc 2.400 USD/ounce xuống còn giao dịch quanh mốc 2.360 USD/ounce. Các bài phát biểu của các quan chức Fed trong Biên bản FOMC tuần qua đều thể hiện "khuynh hướng diều hâu", vì hầu hết các quan chức đều cho rằng sẽ không vội vàng hạ lãi suất quỹ Fed trừ khi thấy lạm phát có dấu hiệu dừng lại. Phát ngôn này khiến nhà đầu tư mất đi phần nào về triển vọng tăng của giá vàng, đây là nguyên nhân khiến vàng bị bán tháo liên tục từ đêm qua đến giờ.
Về trung hạn, nhiều chuyên gia lạc quan rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhưng hầu hết các nhà phân tích đều không chắc chắn về thời điểm kim loại quý sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce. Theo các chuyên gia, động lực có thể đưa vàng lên mốc này là khi FED bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.