Để tỉnh táo và tiếp thêm năng lượng làm việc, Tiểu Hạ (24 tuổi, Trung Quốc) luôn tìm đến cà phê. Cô dùng nó bất kỳ lúc nào mình muốn, sáng sớm ngủ dậy khi chưa ăn gì và cả tối muộn nếu muốn thức khuya.
Gần đây, cô phát hiện ra mình sụt cân, đau bụng âm ỉ, dễ đầy bụng và buồn nôn, ăn uống không ngon miệng như trước. Tuy nhiên, vì quá bận rộn nên cô tự mua thuốc tiêu hóa về uống. Cho đến khi cơn đau dữ dội không chịu được nữa, cô đã được đồng nghiệp đưa đến viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, sau khi làm các kết quả xét nghiệm, bác sĩ điều trị cho biết cô bị viêm loét dạ dày cấp tính dẫn tới thủng dạ dày. Ngay lập tức cô được chuyển tới phòng cấp cứu để phẫu thuật. Bác sĩ cho biết, hiện tình trạng bệnh của cô đã được kiểm soát tốt và không ảnh hưởng tới tính mạng.
Điều tra về bệnh sử, cô gái cho biết thói quen thường xuyên nhất và duy trì trong thời gian dài của cô là uống cà phê. Thời gian gần đây, cô nghe nói uống cà phê đen có thể hại dạ dày và làn da nên cô luôn uống latte - một loại cà phê sữa khá ngọt. Đặc biệt, gần đây để giảm cân cô còn dùng cà phê sữa thay thế luôn cho bữa sáng. Nếu quá đói, cũng chỉ ăn thêm một vài miếng trái cây.
Khi phân tích về ca bệnh này, bác sĩ cho rằng có 2 thời điểm không nên uống cà phê đó là khi bụng đói và lúc đang căng thẳng hay tức giận. Với trường hợp của bệnh nhân, cô gái này thường xuyên uống cà phê khi bụng đói, khi cơ thể thiếu năng lượng và dịch tiết dạ dày chưa ổn định, đường huyết dễ bị tác động.
Còn protein trong sữa sau khi vào dạ dày sẽ được hệ tiêu hóa phân giải thành các loại acid amin, sau đó mới được hấp thụ. Nếu bạn uống sữa khi bụng đói sẽ làm protein không được phân giải thành acid amin, thành phần acid amin này trong tiểu tràng không kịp hấp thụ và đẩy vào đại tràng tạo thành hợp chất độc hại.
Nguy hiểm hơn, cô gái này còn thường không ăn thêm gì sau khi uống cà phê, hoặc chọn trái cây có vị chua để giảm béo nên càng không tốt cho dạ dày. Tất cả những điều kể trên hiệp đồng lại, lâu ngày gây tổn thương, viêm loét dạ dày.
Mặc dù xuất hiện nhiều triệu chứng viêm loét dạ dày như đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, đầy bụng, đi ngoài phân đen… nhưng bệnh nhân vẫn chủ quan, dẫn tới biến chứng thủng dạ dày. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, biến chứng này có thể dẫn tới tử vong.
Thực tế, những người biết uống cà phê đúng cách thường không chọn khung giờ sáng sớm ngay khi thức dậy để thưởng thức cà phê. Trong vài giờ đầu tiên sau khi thức dậy, mức cortisol căng thẳng của cơ thể đã ở mức cao nhất, và đã là nguồn "kích thích" tự nhiên rồi nên không cần nạp thêm nữa.
Các chuyên gia nghiên cứu cho thấy, thời điểm lý tưởng để uống cà phê là tầm 10h – 12h sáng. Đây là khi mức cortisol trong cơ thể đã giảm xuống. Chọn đúng thời điểm uống cà phê không những có những lợi ích tốt cho sức khỏe mà còn giúp bạn cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon của ly cà phê.
Uống cà phê trước khi đi ngủ có thể khiến bạn bị mất ngủ, khó ngủ. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ dẫn tới các triệu chứng như đau đầu, lo âu, thay đổi tâm trạng.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên uống cà phê sau 2 giờ chiều để tránh làm ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ.
Caffein chính là tác nhân tạo nên những lợi ích kích thích của cà phê. Mặc dù cà phê có thể giúp tăng cường năng lượng tạm thời và giúp tăng cường sự chú ý, nhưng uống quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe. Tiêu thụ quá nhiều caffein làm tăng nguy cơ mất ngủ, tăng huyết áp và các vấn đề về tim mạch.
Vì vậy, hãy hạn chế mức tiêu thụ caffein hằng ngày không quá 3 tách.
Cà phê có đặc tính lợi tiểu, gây đi tiểu nhiều hơn nên có thể dẫn đến mất nước. Mặc dù cần phải giữ đủ nước trong suốt cả ngày, nhưng nếu uống cà phê, bạn cần phải chú trọng đến điều này hơn. Cơ thể mất nước có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu và suy giảm chức năng nhận thức. Vì vậy, hãy uống đủ nước.
Cà phê muốn ngon nên có vị chua nhẹ, vì vậy đừng biến nó thành quá ngọt. Thêm nhiều đường sữa cuối cùng có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo nhiều hơn, sau đó có thể phát triển thành bệnh gan nhiễm mỡ, góp phần gây ra bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể thúc đẩy chứng viêm mạn tính và huyết áp, cả hai đều là con đường bệnh lý chính dẫn đến bệnh tim.