Cải cách tiền lương: Thu nhập quá thấp, công chức vẫn sẽ "chân trong, chân ngoài"

Thùy Anh Thứ năm, ngày 23/05/2024 13:06 PM (GMT+7)
Tiền lương sau cải cách sẽ được tính dựa trên vị trí việc làm. Theo tính toán, mức lương cao nhất vào khoảng hơn 20 triệu đồng, thấp nhất vào khoảng 5 triệu đồng, chưa bao gồm tiền thưởng, phụ cấp.
Bình luận 0

Cải cách tiền lương, nếu thu nhập vẫn thấp, công chức, viên chức buộc phải làm ngoài để có tiền sống

Sau 7 năm đi làm, chị N.T.V (30 tuổi), viên chức văn hóa cấp huyện ở Thanh Hóa vẫn chỉ nhận được mức lương cộng phụ cấp là hơn 3,8 triệu đồng/tháng. Dù rất muốn học lên đại học nhưng chị không thể bỏ việc đi học.

"Tôi làm đơn vị sự nghiệp công lập có thu, là viên chức hưởng lương theo bằng trung cấp nên mức lương khá thấp. Mấy lần định xin đi học đại học, nhưng vị trí việc làm không cho phép nghỉ dài, đi học về không biết sắp xếp công việc ra sao nên lại thôi", chị V tâm sự.

Tiền lương của chồng chị cũng không mấy khá khẩm. Anh là giáo viên thể chất ở trường tiểu học, tiền lương của thầy giáo có 7 năm kinh nghiệm cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.

Thu nhập của 2 vợ chồng chưa đầy 10 triệu đồng/tháng không thể đủ nuôi gia đình 4 người (2 vợ chồng, 2 con - PV). Để vượt qua khó khăn, vợ chồng chị đành phải tận dụng thời gian sau giờ làm, ngày nghỉ để mua hoa quả và thực phẩm về bán online. Công việc này mỗi tháng cũng giúp cho vợ chồng anh chị có thêm được 4-5 triệu đồng, đủ tiền ăn hàng tháng của gia đình.

Cải cách tiền lương: Thu nhập quá thấp, công chức vẫn sẽ "chân trong, chân ngoài"- Ảnh 1.

Nhóm viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập có thu đang gặp rất nhiều khó khăn khi cải cách tiền lương nhưng đơn vị không có nguồn. Ảnh: N.T

"Mấy lần sếp cũng đánh tiếng với anh em lao động là tập trung công việc nhiều hơn. Cứ bê trễ, 'chân ngoài dài hơn chân trong' là các sếp cho nghỉ việc nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Bí quá thì đành phải nghỉ về làm lao động tự do chứ lương 4-5 triệu sống sao nổi", chị V nói.

Theo chị V, tới đây nếu cải cách tiền lương, lương chị có tăng lên trên 5 triệu đồng thì cũng vẫn thấp, không đáp ứng được cuộc sống của chị và gia đình. Bởi vậy, cũng rất khó để chị có thể chuyên tâm công tác.

"Gia đình tôi sống ở trung tâm huyện, dù là ở nông thôn, nhưng mức sống cũng không thấp hơn thành phố là mấy. Tôi nhẩm tính tiền lương của tôi phải 7-8 triệu đồng, may ra mới đáp ứng được mức sống tối thiểu, giúp chi trả các khoản sinh hoạt trong gia đình", chị V chia sẻ.

Chị V liệt kê cụ thể: Tiền học của 2 con là 1 triệu đồng; tiền ăn cả nhà là 4 triệu đồng; tiền đình đám 1-2 triệu đồng/tháng; tiền điện nước là 700 nghìn đồng; tiền điện thoại 300 nghìn đồng 2 vợ chồng; tiền ốm đau, thuốc men; tiền vay nợ ngân hàng để mua đất, xây nhà 2 triệu đồng...

Tương tự, chị Đào Thị Tuyết Mai, viên chức trong một cơ quan truyền thông thuộc một bộ cho biết, nghe tới cải cách tiền lương, chị vui thì ít, mà lo thì nhiều.

Chị Mai nhớ lại đợt tăng lương cơ sở hồi 1/7 năm ngoái (năm 2023). "Lúc đó nhà nước áp dụng tăng lương cơ sở, nhưng thu nhập của chúng tôi không những không tăng mà còn giảm sâu", chị Mai nói.

Lý do là bởi, đơn vị chị là đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng mấy năm gần đây làm ăn không có lãi nên khi đơn vị quyết định tăng lương là cắt giảm phụ cấp. Tiền lương thực tế tăng, nhưng chỉ là tăng trên lý thuyết và tăng tiền đóng BHXH, còn thực tế thu nhập của anh chị em lại giảm tới 10%.

"Chúng tôi mong muốn tới đây nếu cải cách tiền lương, tăng lương thì phải tăng thu nhập, chứ không phải lương tăng, thu nhập lại giảm. Chưa kể lương chưa tăng mà các loại giá cả đội nước tăng theo", chị Mai chia sẻ thêm.

Cải cách tiền lương: Lãnh đạo đơn vị trăn trở nhưng cũng đành bó tay

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, Giám đốc một Trung tâm Văn hóa, thông tin, Thể thao và Du lịch thuộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị có hơn 22 viên chức làm việc, tuy nhiên có hơn 10% trong số này có mức lương thấp dưới 5 triệu đồng.

Vừa qua để chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương, UBND huyện cũng đã hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm. Tuy nhiên, đơn vị đang chờ hướng dẫn xếp lương theo vị trí việc làm.

"Cán bộ, viên chức của đơn vị đang rất mong chờ thu nhập sẽ được cải thiện vào đợt cải cách tiền lương lần này. Tuy nhiên, không chờ tới cải cách tiền lương, đơn vị cũng đang xây dựng kế hoạch để thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc từ đó có nguồn để cải thiện thu nhập cho viên chức. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện sắp xếp cơ cấu, thực hiện tinh giản biên chế với những lao động không hoàn thành nhiệm vụ", ông này nói.

Lãnh đạo đơn vị này cũng cho biết, ông khá tâm tư vì đơn vị đang trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính. Tới đây, nếu không còn được ngân sách hỗ trợ thì không biết lấy nguồn nào để tăng lương cho anh em trong những năm tiếp theo.

"Cơ quan xây dựng đề án để tìm kiếm nguồn thu. Liệt kê ra một số giải pháp, nhiệm vụ nhưng không dễ gì thực hiện. Lâu nay đơn vị đã tự chủ 3-5%, nhưng giờ đặt mục tiêu thực hiện tự chủ 10% là rất khó", vị này chia sẻ.

Cải cách tiền lương: Thu nhập quá thấp, công chức vẫn sẽ "chân trong, chân ngoài"- Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cải cách tiền lương trong các đơn vị sự nghiệp tự chủ toàn phần hoặc tự chủ một phần sẽ là thách thức không nhỏ. Ảnh: N.Hùng

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, đúng là việc tăng lương trong các đơn vị sự nghiệp tự chủ 1 phần hoặc tự chủ toàn phần sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Lương tăng thì chi phí sẽ tăng lên, điều này có thể làm khó cho doanh các doanh nghiệp.

Trước thực tế này, ông Lợi cho rằng với các đơn vị hành chính hưởng lương trực tiếp từ ngân sách Nhà nước thì không sao, nhưng với các đơn vị sự nghiệp thì cần ưu tiên các nguồn lực để chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

"Các đơn vị sự nghiệp cần chủ động trong điều hành, quản lý nhằm tăng thu phục vụ cho việc tăng lương. Trong trường hợp các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, không thể cân đối, tạo nguồn để cải cách tiền lương thì Nhà nước cần can thiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Có thể cho vay trả lương, hỗ trợ chi phí đầu tư công như: Trang thiết bị, máy móc... để doanh nghiệp ổn định hoạt động, tăng thu ngân sách từ đó lấy tiền đó đầu tư cho tăng lương", ông Lợi phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem