Có lẽ, hiếm ngôi làng nào còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ và yên bình như làng Vi Rơ Ngheo. Vi Rơ Ngheo theo tiếng Xơ-đăng có nghĩa là một vùng đất có khí hậu lạnh, đây cũng là tên một con suối chảy qua làng.
Từ xa xưa, người Xơ-đăng đến vùng đất trù phú này để sinh sống và lập làng đã sử dụng tên con suối này đặt tên cho làng của mình như là một chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng về vị trí của cộng đồng cư dân đầu tiên đến đây.
Làng Vi Rơ Ngheo nằm ở độ cao 1.250 m so với mặt nước biển, được bao bọc bởi những dãy núi Ngọc Măng Chu ở phía Nam; Ngọc Ki Ruông, Ngọc Chăng ở phía Tây; còn ở phía Đông và Bắc là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp bên những cánh rừng nguyên sinh gần như còn nguyên vẹn.
Suối Vi Rơ Ngheo bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Ring rồi men qua những khe núi đổ về dòng sông Đắk S’Nghé, nơi ngôi làng nhỏ nép yên bình bên dòng sông thơ mộng.
Ở làng cổ Vi Rơ Ngheo (xã Đắc Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nhìn góc nào ta cũng thấy tâm hồn bình yên đến lạ...
Nói không ngoa, khi chỉ bước chân đến làng, ta như lạc vào một thế giới lạ lắm. Thế giới để chữa lành sau những tất bật và tổn thương.
Ở nơi đây, trời rất trong và nắng cũng dịu ngọt như chính những người dân Xê-đăng bản địa. Làng như bước ra từ một câu chuyện cổ tích vì dường như không có sự hiện hữu của bê tông, của khói bụi.
Ngay cả tiếng xe máy cũng rất ít, bởi chỉ khi có việc ra khỏi làng, người dân mới cần đến xe. Còn trong khuôn viên ấy, người ta đi bộ và chào nhau bằng những nụ cười hiền khô, chân chất.
Người dân nơi đây ai cũng hiền lắm, có lẽ chính cái địa thế hiểm trở và chia cắt đã khiến cho ngôi làng như một căn nhà lớn. Họ bao bọc và thương yêu lẫn nhau, cùng nhau phát huy giá trị truyền thống cộng đồng.
Ngay chính giữa làng là một nhà Rông bề thế so với những căn nhà khác. Nhà Rông là nơi diễn ra lễ hội, nơi họp bàn thưởng- phạt trong làng, nơi lưu giữ những bộ cồng chiêng và cũng chính là nơi đón tiếp những vị khách quý của làng.
Ngôi làng cổ Vi Rơ Ngheo, xã Đắc Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nằm yên bình giữ một không gian hùng vỹ và thơ mộng.
Vì là “vùng đất có khí hậu lạnh” nên Vi Rơ Ngheo lúc nào cũng như bồng bềnh trong sương. Thời tiết nơi đây bốn mùa đều như chớm thu.
Buổi sáng sớm, ngồi bên hiên nhà nhìn mây lang thang ngay trước mắt mới thấy tâm hồn sao bình yên đến vậy. Mới hiểu ra rằng: Sao đôi mắt của những chàng trai, cô gái Xê-đăng lại cứ trong veo! Buổi trưa, mây tan dần.
Những ánh nắng nhẹ nhàng xuyên qua từng tầng lá. Thời tiết cựa mình, nắng bắt đầu nhảy múa. Thế nhưng, nhiệt độ cao nhất của ngày cũng chỉ tầm 20- 25 độ, rất thích hợp để dắt tay một nửa yêu thương lang thang dưới những tán rừng, bình yên bên nhau lắng nghe tiếng lá cây xào xạc.
Đến với không gian văn hóa của làng cổ Vi Rơ Ngheo, xã Đắc Tăng, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) bạn như lạc vào "thiên đường" với muôn hoa đua nở.
Khí hậu mát mẻ tại làng khiến thảm thực vật phong phú, đa dạng và tạo nên một “thiên đường” của hoa địa lan.
Làng cổ Vi Rơ Ngheo.
Đặc biệt, dãy núi Ngọc Ruông còn sở hữu một kho báu với các loại hoa rừng như đỗ quyên, hoa sim, hoa mua, địa lan… khoe sắc bốn mùa. Một trong những rừng đỗ quyên đẹp là ở núi Ngọc Ki Ruông, cách trung tâm làng chỉ tầm 10 phút đi bộ.
Đây là khu rừng được người dân bảo vệ rất nghiêm ngặt, không ai được lấy phong lan hay bất cứ cây gì từ khu rừng này. Họ cứ để cây tự nhiên lớn và tự nhiên ra hoa như vậy từ bao đời nay. Cạnh đó là rừng cây thông 5 lá với tuổi đời hàng trăm năm, sừng sững trên đỉnh Ngọc Ki Ruông.
Đến nay, người dân làng Vi Rơ Ngheo đã sưu tầm, nhân giống trồng được khoảng 1.000 chậu địa lan và phong lan; tổ chức khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan và sim, mua quanh làng. Khi bóng chiều phủ núi đồi cũng là lúc sắc hồng, vàng hoa địa lan nhường chỗ cho rừng hoa sim khoe sắc, nhuộm tím cả cánh rừng.
Anh A Kiểu ở làng Vi Rơ Ngheo cho biết: “Hoa địa lan nở rộ khắp dãy núi từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Dân trong làng không dám nhổ lan vì sợ Yàng phạt. Mỗi mùa mưa, người dân lại mang lan từ nhà lên rừng trồng nhằm nhân rộng các giống lan.
Để đón khách du lịch, người dân trong làng cũng chuẩn bị nhiều các món ăn đặc sản của người Xơ- đăng; luyện tập, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang để phục vụ khách du lịch”.
Cũng thật bất ngờ khi được biết, người dân ở đây không bao giờ bẫy thú rừng hay dùng kích điện, phương pháp đánh bắt cá có tính hủy diệt mà chỉ dùng các dụng cụ truyền thống như lưới, cần câu, đơm, vợt. Người Xê-đăng yêu và bảo vệ làng, bảo vệ rừng như chính ngôi nhà của mình.
Làng Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ được nhiều lễ nghi truyền thống như: Mừng lúa mới, Lúa thừa, Nhà rông, Đâm trâu, Cúng giọt nước…
Làng cũng có những ngôi nhà sàn được làm theo đúng truyền thống của người Xơ-đăng. Các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng với những kiến trúc độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng.
Sự bình yên của làng đã cho tôi hiểu tại sao nụ cười, ánh mắt của những chàng trai, cô gái nơi đây lại trong veo đến thế.
Chia tay làng sau một giấc ngủ ngon giữa núi rừng. Tôi nhớ, đêm hôm trước, trong ngôi nhà Rông, sau khi nhấp vài hơi rượu cần, Già làng cầm tay tôi như nói với chính bản thân mình: “Còn người Xê-đăng là còn bản làng, trai gái Vi Rơ Ngheo sẽ không phá rừng mà chỉ trồng thêm hoa cho người Kinh lên ngắm”.
Trên đường về, tôi bị nụ cười của những chàng trai cô gái Xê-đăng gây thương nhớ. Tôi nhớ điệu cười vang cả núi rừng của già làng. Nhớ mãi ánh mắt xa xăm sau làn khói thuốc rê ấy… Nhất định tôi sẽ trở lại đây vào một ngày gần nhất!
“Việc được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng là cơ hội để làng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn. Chính quyền địa phương đã vận động các gia đình phục dựng lại toàn bộ những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng từng nhóm hộ để phát triển.
Với những sản vật, ẩm thực đặc trưng của địa phương, người dân phát triển nuôi heo, nuôi vịt, gà cung cấp những món ăn phục vụ du khách. Ngoài ra, chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con không được bán đất, tập trung phát triển du lịch góp phần thoát nghèo bền vững” - Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông.