Trao đổi với Dân Việt bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, khi xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, tất cả các ĐBQH đều mong muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình, cũng như của cử tri và nhân dân vào những cơ chế để thủ đô của cả nước phát triển.
Còn TP.Hà Nội phải thực hiện trọng trách và sứ mệnh được nhân dân và cử tri, cũng như tất cả các địa phương giao phó là xây dựng thủ đô trở thành bộ mặt đại diện cho cả nước.
Tại Kỳ họp thứ 7 lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu đánh giá như thế nào về dự thảo luật đưa ra kỳ họp lần này?
- Kỳ họp này, Quốc hội đồng thời thảo luận và thông qua 3 nội dung rất quan trọng là quy hoạch thủ đô, quy hoạch chung thủ đô và Luật Thủ đô. Đây là một cơ hội rất hiếm có, để tạo ra bứt phá, tạo định hướng và cơ sở pháp lý để thực hiện những định hướng này. Quy hoạch thủ đô chính là tạo ra những định hướng phát triển chung, phát triển tổng thể, phát triển dài hạn cho thủ đô, để đưa thủ đô trở thành một hình ảnh đại diện của quốc gia, xứng tầm so với thủ đô của các nước khác trên thế giới.
Hiện nay, dự thảo Luật Thủ đô cơ bản đã hoàn thiện tốt. Đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội, phải thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển vượt trội bứt phá, vượt trội. Tuy nhiên, cũng còn một vài chỗ cần phải có quy định thật sự rõ ràng và đúng nghĩa là vượt trội riêng cho Thủ đô. Điển hình là vấn đề đang có nhiều băn khoăn là khai thác, phát triển thành phố hai bên sông Hồng, làm sao biến sông Hồng trở thành trục trung tâm về văn hóa, sinh thái và du lịch của thành phố.
Nếu chúng ta vẫn để 2 quy định như trong dự thảo luật là việc xây dựng các công trình ven sông phải tuân thủ những quy định về luật đê điều, thì điều ấy có nghĩa là toàn bộ những hành lang ven sông của Hà Nội cũng sẽ giống như hành lang ven sông của tất cả các tỉnh khác. Theo đó, sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng hoang hóa như hiện nay và không thể nào tạo được diện mạo cho phát triển thủ đô.
Tôi cho rằng, đây là điều chúng ta rất cần phải cân chỉnh lại, để tạo ra cho Hà Nội một cơ chế riêng trong việc khai thác hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống, cũng như các sông khác trên địa bàn.
Ông từng có phát biểu về điều chỉnh tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức ở thủ đô. Về vấn đề này, nhiều đại biểu cũng băn khoăn khi Nghị quyết 27 về cơ chế tiền lương mới không thực hiện cơ chế phụ cấp đặc thù, thì Hà Nội sẽ phải dùng cơ chế nào để vẫn có thể trả tiền lương cho những người lao động của thủ đô, những công chức, viên chức thủ đô ở mức thỏa đáng cho những đóng góp của họ?
- Hiện nay, Hà Nội đang có tỷ lệ biên chế thấp nhất so với Quy định về biên chế công chức, viên chức chung quốc gia. Nếu so với quỹ chung thì Hà Nội mới sử dụng khoảng 1/2 con số này. Điều này có nghĩa, mỗi cán bộ, công chức, viên chức tại Hà Nội đang phải làm việc với cường độ, công suất lớn hơn so với các địa phương khác. Do vậy, việc trả lương phải dựa trên tổng quỹ lương khi sử dụng hết các biên chế như tại các địa phương và tổng quỹ lương của Hà Nội sẽ tăng cao. Phân dôi dư trong tổng quỹ lương này có thể dùng để chi trả lương tăng thêm cho cán bộ, công chức.
Như vậy, nếu chúng ta có cơ chế, bộ máy càng gọn nhẹ, số lượng cán bộ công chức càng giảm xuống thì cơ hội tăng lương sẽ càng cao. Ngược lại, nếu như bộ máy mà không gọn nhẹ, đồng thời muốn tăng thêm biên chế, tăng thêm người thì phần quỹ dôi dư ra sẽ ít đi và lương cho mỗi người sẽ thấp hơn.
Đây sẽ là một cơ chế khuyến khích tăng năng suất lao động và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao. Đồng thời, nâng cao được vai trò, trách nhiệm của họ để làm việc với cường độ, công suất hiệu quả và thái độ phục vụ tốt nhất để trả lương một cách xứng đáng.
Quy hoạch đô thị đang là bài toán khó, gây bức xúc tại Hà Nội. Hà Nội đã chứng kiến 2 vụ hỏa hoạn gây hậu quả thảm khốc về người và tài sản. Vừa qua, khi xuống hiện trường vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã nhắc đề hệ quả của "làng lên phố". Khi thảo luận về Luật Thủ đô (sửa đổi) đại biểu có ý kiến đóng góp gì cho vấn đề bất cập này?
- Chúng ta đều nhìn thấy bất cập trong phát triển đô thị tại Hà Nội và nó đã để lại hậu quả rất đáng tiếc và khôn lường. Như vậy, Luật Thủ đô và quy hoạch Thủ đô phải hướng đến giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay.
Tôi lấy ví dụ, trước đây, theo quy định của pháp luật, nhiều khu vực nằm trong ranh giới được gọi là nội đô lịch sử gần như là không được phép đầu tư cải tạo quá nhiều. Chính vì việc khống chế những chỉ số về đầu tư phát triển của những khu vực nội đô lịch sử đã dẫn đến có nhiều khu chung cư cũ rất nhiều năm không được cải tạo, rất nhiều những khu nhà tự xây không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, không đảm bảo yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy nổ, cũng như là điều kiện môi trường sinh hoạt. Nhưng không có một cơ chế để chúng ta cải tạo hay thay đổi những điều kiện này.
Trong Luật Thủ đô, tôi cho rằng phải tạo được một khuôn khổ pháp lý để xác định khu vực nào đúng nghĩa là khu bảo tồn, là khu vực đúng nghĩa lịch sử như phố cổ, để bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long Hà Nội, hay những khu công trình kiến trúc quan trọng hoặc có những yếu tố lịch sử phát triển.
Còn lại, những khu vực khác phải đưa ra các mô hình đầu tư, cải tạo theo mô hình đô thị hiện đại, không thể để thủ đô phát triển một cách tự phát, người dân tự xây dựng theo một ý chí chủ quan mà không theo các tiêu chuẩn quy hoạch đô thị lớn.
Nếu chúng ta làm được việc đó thì chúng ta sẽ giải quyết được bức xúc hiện nay, như phát triển đô thị tự phát, hay có những khu dân cư không đảm bảo các tiêu chuẩn hoặc là nhiều khu vực "nhếch nhác" không xứng tầm với thủ đô.
Để cải tạo chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi. Với Hà Nội, sẽ phải đánh đổi điều gì trong quá trình cải tạo, phát triển và trở thành hình ảnh đại diện cho cả nước?
- Điều đầu đầu chúng ta phải đánh đổi là quan niệm và thói quen. Bởi mỗi người hiện nay đều mong muốn là phải sống ở nhà mặt đất và chưa có thói ở nhà trên cao. Mặc dù, điều kiện sinh sống ở chung cư có thể tốt hơn rất nhiều lần so với nhà mặt đất.
Về cơ chế, chúng ta cũng phải thay đổi. Cụ thể, cơ chế cải tạo đô thị không chỉ giải quyết bức xúc của người dân mà đây còn là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền. Phải có cơ chế đầu tư. Ví dụ, hệ thống hạ tầng giao thông công cộng chắc chắn Nhà nước phải đầu tư. Nếu không đầu tư thì không thể nào giải quyết được vấn đề tập trung dân số. Để thay đổi tâm lý, thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân, chúng ta có thể cho người dân người dân được lựa chọn những cơ hội lựa chọn những cơ hội chuyển đổi. Nếu người dân chấp nhận từ bỏ sống ở những nhà lụp xụp và chuyển lên sống trên cao thì người ta được chuyển đổi. Những người vẫn giữ thói quen phải ở nhà mặt đất thì tạo cơ hội để họ ra ngoài khu vực.
Trong trung tâm phải quy hoạch thành những khu phát triển hiện đại, chứ không thể phát triển gọi lan rộng trên mặt đất. Như vậy, sẽ không còn không gian trống cho hoạt động công cộng và những hoạt động xanh cho đô thị.
Theo ông Hà Nội sẽ mất bao nhiêu năm để đạt được mục tiêu phát triển này?
- Để phát triển thủ đô phải cả một quá trình, chứ không thể đong đo trong một thời gian ngắn. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam phải là một nước thu nhập cao và phải ngang tầm với các nước phát triển. Trong đó, quy hoạch thủ đô cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2050, Hà Nội phải là một thủ đô đứng vào hàng đầu so với các nước trong khu vực và ngang tầm với thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là lộ trình đã đặt ra và chúng ta có thể đạt được hay không sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta khai thác những các quy chế, những cơ chế rất là đặc thù và vượt trội cho thủ đô.
Đồng thời, cũng đòi hỏi phải có quyết tâm quyết tâm rất cao không chỉ của chính quyền Thủ đô trong việc thực hiện các quá trình chuyển đổi, mà còn đòi hỏi sự tập trung nguồn lực rất lớn của cả xã hội. Từ đó, tạo ra bộ mặt Thủ đô thực sự đột phá và xứng tầm là nước phát triển vào năm 2045.
Xin cảm ơn ông!