Dân Việt

Nghị quyết 69 của Chính phủ: Tháo gỡ nút thắt những vấn đề mà Hội Nông dân Thanh Hóa trăn trở, quan tâm

Hữu Dụng 30/05/2024 10:02 GMT+7
Đây chính là Nghị quyết đã tháo gỡ nút thắt những vấn đề mà các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa trăn trở, quan tâm, nhất là hướng tới thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông dân", ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Ngày 11/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 46-NQ/TW), với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể đã thể hiện rõ sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác Hội, phong trào nông dân nói riêng và đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung.

Nghị quyết 69 của Chính phủ: Tháo gỡ nút thắt những vấn đề mà Hội Nông dân Thanh Hóa trăn trở, quan tâm- Ảnh 1.

Ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa, cán bộ, hội viên nông dân toàn quốc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng rất phấn khởi khi Nghị quyết 69 được ban hành và mong muốn triển khai thực hiện sớm để Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn đời sống xã hội.

Điểm nhấn quan trọng nhất của Nghị quyết 69, đó là, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nghị quyết 69 của Chính phủ: Tháo gỡ nút thắt những vấn đề mà Hội Nông dân Thanh Hóa trăn trở, quan tâm- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thanh Hóa thăm mô hình nuôi hươu của hội viên nông dân.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông dân"; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân.

Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng trang thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nghị quyết 69 của Chính phủ: Tháo gỡ nút thắt những vấn đề mà Hội Nông dân Thanh Hóa trăn trở, quan tâm- Ảnh 3.

Giải Bóng chuyền Bông lúa vàng được tổ chức 2 năm 1 lần thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia.

"Đây chính là Nghị quyết đã tháo gỡ nút thắt những vấn đề mà các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa trăn trở, quan tâm, nhất là hướng tới thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông dân". Sau khi Nghị quyết 69 được ban hành, bản thân tôi nghĩ rằng Hội Nông dân Việt Nam nói chung, các cấp Hội Nông dân nói riêng sẽ có những nhìn nhận, có hướng đi mới, để công tác Hội và phong trào nông dân thực sự có hiệu quả, phát triển theo chiều sâu, đáp ứng được những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà Nghị quyết đã đưa ra", ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa nói.

Thanh Hóa là một tỉnh có hệ thống tổ chức Hội Nông dân ở 27/27 huyện, thị, thành phố. Hiện, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa có 552/558 HND xã, phường, thị trấn trong tỉnh và tổ chức Hội với 4.255 chi Hội. Tổng số hội viên là 501.840 hội viên. Công tác Hội và phong trào nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Hội Nông dân Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động.

Trong mọi hoạt động đều vận dụng linh hoạt giữa tuyên truyền, vận động đi đôi với hỗ trợ, xây dựng mô hình. Các cấp Hội luôn tăng cường phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp nâng cao chất lượng các hoạt động công tác tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân.

Thông qua đó đã thu hút nguồn nhân lực, kiến thức, kỹ thuật và vật chất tạo nên khối liên miinh "Công - Nông - Trí" góp phần hỗ trợ tích cực cho nông dân trong sản xuất và đời sống. Từ các chương trình phối hợp, các cấp Hội đứng ra huy động, tập hợp và thực hiện Đề án "Đưa doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông dân, nông thôn", mở ra nhiều cơ hội mới cho nông dân trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm tạo nên chuỗi giá trị.

Nghị quyết 69 của Chính phủ: Tháo gỡ nút thắt những vấn đề mà Hội Nông dân Thanh Hóa trăn trở, quan tâm- Ảnh 4.

Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa thăm hộ sản xuất kinh doanh giỏi Đỗ Xuân Sơn, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân.

Các hoạt động của Hội đều hướng vào xây dựng người nông dân thời đại mới với lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước và tinh thần tự lực, tự cường. Nhiều nông dân đã biết ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình "khởi nghiệp" sản xuất, kinh doanh phù hợp năng lực và điều kiện của gia đình đã phần nào đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với cơ chế thị trường hiện nay.

Hiện, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương quán triệt, phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW đến với cán bộ, hội viên của mình trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tổ chức quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả để đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự kỳ vọng của nhân dân với tổ chức Hội Nông dân.