Chưa đầy 1 năm, Hội Nông dân Thanh Hóa đã đưa hàng trăm sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Hữu Dụng Thứ năm, ngày 13/10/2022 11:02 AM (GMT+7)
Thực hiện chương trình chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, chỉ trong 9 tháng năm 2022, Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn 1.053 hộ nông dân đưa 138 sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bình luận 0

136 sản phẩm lên sàn thương mại

Ngày 12/10, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị sơ kết công tác hội và phong trào nông dân 9 tháng năm 2022 và các nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm.

Theo báo cáo, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh Thanh Hoá đã kết nạp thêm 7.245 hội viên, xây dựng được 2,5 tỷ đồng quỹ hội, hướng dẫn xây dựng thành lập mới 41 chi HND nghề nghiệp, 274 tổ HND nghề nghiệp.

Hội đã hỗ trợ 27 huyện, thị, thành và 553 cơ sở hội chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn 1.053 hộ nông dân đưa 138 sản phẩm của hộ, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chưa đầy 1 năm, Hội nông dân Thanh Hóa đã đưa cả trăm sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi sơ kết.

Trong năm qua, hội đã rà soát hơn 4.000 hộ nghèo để giúp đỡ, đã vận động tương trợ giúp nhau được hơn 44 tỷ đồng cùng lương thực, hàng hoá, con giống trị giá trên 2 tỷ đồng và 23.970 ngày công lao động; giúp đỡ 1.525 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp hội đã vận động 372.117 hộ nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; vận động HVND hiến 171.454 m2 đất; tu sửa và làm mới 688 km đường giao thông nông thôn và 9.193 km kênh mương; tham gia xây dựng 1.023 công trình các loại.

Tiếp tục chỉ đạo các cấp hội vận động, hướng dẫn, xây dựng các mô hình thu gom, phân loại và xử lý chất thải hữu cơ tại 120 xã, thị trấn với sự tham gia của 7.042 hộ.

Hội triển khai 5 mô hình khuyến nông, giảm nghèo trị giá 1,2 tỷ đồng, trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng 37 sản phẩm OCOP, tổng số sản phẩm hiện có lên 236 sản phẩm. Ngoài ra, Hội còn xây dựng thành lập mới 165 tổ hợp tác và thành lập được 82 doanh nghiệp.

Tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Hội đã tổ chức trưng bày, giới thiệu hơn 40 sản phẩm OCOP của Thanh Hóa và 1 gian hàng điện tử trên sàn thương mại điện tử.

Các gian hàng này đã thu hút hơn 10.000 lượt người đến thăm quan, mua sắm, doanh số đạt gần 1 tỷ đồng; đã kết nối được 25 đơn vị làm đại lý bán hàng, 2 nhà phân phối độc quyền và đưa sản phẩm vào 147 siêu thị trên toàn quốc.

Về hỗ trợ vốn cho nông dân, Hội đã vận động được gần 6 tỷ đồng, hiện đang cho 2.180 hộ vay ở 620 dự án mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội.

Chưa đầy 1 năm, Hội nông dân Thanh Hóa đã đưa cả trăm sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Các lãnh đạo Hội Nông dân Thanh Hoá chủ trì buổi sơ kết.

Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức được 61 lớp dạy nghề cho 3.717 lượt HVND, giúp được 1.384 HVND, người lao động có việc làm sau đào tạo. Cùng với đó, các cấp Hội đã trực tiếp thăm hỏi, trao quà cho các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 874,2 triệu đồng.

Nông dân phải là hạt nhân trong chuyển đổi số

9 tháng qua, đã có 540 HVND dân ưu tú được kết nạp vào Đảng. Trung ương Hội đã xét công nhân 152 hộ HVND trong tỉnh đạt gia đình sản xuất kinh doanh giỏi. Thủ tướng đã tặng 1 bằng khen và Trung ương HND Việt Nam tặng 6 bằng khen cho 2 người đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Trong 3 tháng cuối năm, các cấp Hội xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của mình là hướng dẫn hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng NTM, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân tích cực tham gia tích tụ, tập trung đất đai, góp vốn, liên kết sản xuất phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; tích cực hướng dẫn nông dân tham gia hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, Hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, hướng dẫn nông dân hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ứng dụng KHCN để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Chưa đầy 1 năm, Hội nông dân Thanh Hóa đã đưa cả trăm sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá phát biểu chỉ đạo tại buổi sơ kết.

Các cấp hội tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn cấp giấy chứng nhận(VietGAP, VietGAHP); hỗ trợ tem truy xuất, nhãn mác cho 8 sản phẩm của 8 đơn vị theo kế hoạch. Ứng dụng có hiệu quả phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại  10 huyện và 4 xã tham gia dự án của 2 huyện Như Thanh và Thiệu Hóa.

Đồng thời, xây dựng những mô hình điểm của nông dân về ATTP và BVMT phù hợp với vùng miền để tuyên truyền nhân rộng. Xây dựng mô hình tổ tự quản nông dân thu gom, phân loại xử lý chất thải, rác thải trong sản xuất nông nghiệp và rác thải sinh hoạt nông thôn…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá khẳng định, các cấp hội đã nỗ lực để đạt được những kết quả rất tốt trong 9 tháng qua.

"Trong thời gian tới, đề nghị Trung tâm Hội nông dân tiếp tục kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, cập nhật liên tục số liệu các sản phẩm nông sản đã được lên sàn để gửi tới các huyện. Ngoài ra, hội phải tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch vụ,  hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản", ông Quân khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem