Quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) phát biểu sáng 29/5, trong phần thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, đầu năm 2024.
Đại biểu Huy cho rằng, một điểm sáng trong nền kinh tế là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ; giúp bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và có những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng.
Song song, đời sống văn hóa vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tốt; văn hóa truyền thống tiếp tục được khai thác theo hướng phát huy giá trị tốt đẹp gắn với nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, ông Huy nêu quan điểm, bức tranh toàn cảnh về văn hóa vùng nông thôn hiện nay vẫn còn "những mảng tối", đâu đó vẫn còn những biểu hiện "lệch chuẩn" văn hóa; tình trạng coi nhẹ, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế.
Hệ quả là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vượt trội so với trước đây nhưng ở một số nơi, trong một số trường hợp, đạo đức, văn hóa xã hội lại có biểu hiện xuống cấp. "Lối sống thực dụng cực đoan như một thứ dịch bệnh có nguy cơ lan rộng trong xã hội, nhất là với lớp trẻ", đại biểu Huy nêu.
Ông Huy chỉ cụ thể, nhiều không gian thuộc về di sản, di tích lịch sử văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp; những luồng tư tưởng xấu, độc đã và đang tác động, chi phối đến lối sống của người dân khu vực nông thôn… Việc này khiến "bức tranh làng quê giảm đi phần tươi sáng" nên cần ban hành các quy định, tiêu chuẩn về văn hóa nông thôn.
Liên quan vấn đề "tam nông", đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) cho hay, vấn đề thiên tai, hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan… tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.
"Bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang hết sức lo lắng bởi bà con sống chung với lũ, giờ lại sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở luôn rình rập", ông nói và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực dự báo thường xuyên, chính xác để kịp thời ứng phó, khuyến cáo nhân dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) thì cho rằng, cần đầu tư nông nghiệp. Đây là một trong 3 giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Ông Thanh phát biểu, thứ nhất, về sản xuất nông nghiệp, song song việc tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng để có bước chuyển nhanh từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp".
Để làm được, cần có cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tận dụng tối đa lợi thế hiện có phục vụ cho phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là dự báo về biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn để có định hướng và các giải pháp phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn đối với mỗi vùng, miền.
Theo đại biểu, điều này giúp cho việc phát triển nông nghiệp đạt mức độ an toàn cao, phát huy hiệu quả; chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có thiên tai, sự cố xảy ra; tránh tình trạng bị động ứng phó trong thời gian qua.
Thứ hai, về phát triển hạ tầng giao thông cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có giải pháp cụ thể để chủ động về nguồn vật liệu, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, giao thông liên kết vùng.
Thứ ba, đại biểu Thanh đề nghị đối với vùng Tây Nguyên, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ giao tại, nhất là đối với nhóm đề án về cơ chế, chính sách đặc thù. Chính phủ và các bộ, ngành nên quan tâm bố trí thỏa đáng về kinh phí để đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ theo quy hoạch giao thông đã được phê duyệt.