"Báo cáo thường niên năm 2023" của chương trình "Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững" (Chương trình SPMF) của Hiệp hội Croplife Quốc tế đã nêu bật những hoạt động nổi bật và kết quả thành công bước đầu của chương trình trong việc thúc đẩy các biện pháp quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách bền vững tại các quốc gia Kenya, Ma Rốc, Thái Lan và Việt Nam.
Cụ thể, tại Kenya, chương trình SPMF đã tích hợp các phương thức thực hành tốt về thuốc BVTV toàn cầu vào khung pháp luật về quản lý thuốc BVTV mới của quốc gia này; đẩy mạnh hoạt động của trung tâm phòng chống độc quốc gia và thiết lập hệ thống quản lý bao gói thuốc BVTV trong toàn ngành với 310 điểm thu gom.
Tại Ma Rốc, thông qua nghị định mới về thuốc BVTV, chương trình đã hoàn thành dự án thí điểm về quản lý bao gói thuốc BVTV ở vùng Souss Massa; tổ chức tập huấn trực tiếp cho 2.500 nông dân và tiếp cận được thêm 100.000 nông dân thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tại Thái Lan, chương trình SPMF đã phát động chuỗi hội thảo về khung pháp lý dựa trên đánh giá rủi ro; xây dựng các hướng dẫn quản lý đối với việc sử dụng thuốc BVTV bằng thiết bị không người lái (drone); lồng ghép chương trình hành động thích ứng biến đổi khí hậu vào nội dung tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm (hay còn gọi là chương trình Stewardship) để sản xuất lúa gạo bền vững.
Tại Việt Nam, tháng 7/2023, Hiệp hội CropLife Châu Á đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về "thúc đẩy khung quản lý thuốc BVTV bền vững" trong giai đoạn 2023-2028.
Tiếp nối những hoạt động đã bước đầu triển khai trong năm 2023, vào ngày 11/1/2024, Cục Bảo vệ Thực vật và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết Kế hoạch hợp tác triển khai chương trình SPMF năm 2024 – đánh dấu năm đầu tiên hiện thực hoá các nội dung của khung hợp tác triển khai chương trình đã được ký kết trước đó.
Theo Chương trình hợp tác, CropLife sẽ hỗ trợ tối đa hoá nỗ lực của ngành, thúc đẩy triển khai khung sử dụng và quản lý các giải pháp BVTV bền vững song song với việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng đổi mới khoa học trong nông nghiệp tại Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, một loạt các hoạt động phối hợp đã được tiến hành nhằm hỗ trợ thực thi hệ thống chính sách quản lý và sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, tiên tiến, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế song song với thúc đẩy ứng dụng các giải pháp BVTV tiên tiến, điển hình như: góp ý xây dựng dự thảo chỉnh sửa Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; thảo luận và đề xuất các khuyến nghị góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chương trình cũng tiến hành các hoạt động bước đầu nhằm lên kế hoạch xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến về sử dụng thuốc BVTV (e-learning); tiếp tục chương trình hợp tác 3 bên về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp; phối hợp với Cục BVTV và Hiệp hội VIPA triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức cộng đồng về thuốc BVTV và những đóng góp của các giải pháp này trong việc đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện sinh kế cho nông dân.
Khởi động từ năm 2021, SPMF là một sáng kiến của CropLife Quốc tế được xây dựng dựa trên nền tảng cam kết của ngành khoa học thực vật đối với Bộ quy tắc ứng xử quốc tế về quản lý thuốc BVTV nhằm đảm bảo các công cụ này được sử dụng một cách an toàn và hiệu quả.
Chương trình đưa ra một cách tiếp cận mới, tích hợp và toàn diện hơn nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi hệ thống nông nghiệp của các nước theo hướng bền vững hơn thông qua khung quản lý và sử dụng thuốc BVTV một cách có trách nhiệm.
Cụ thể, chương trình đặt trọng tâm vào việc tăng cường hiệu quả quản trị của các quy định liên quan tới thuốc BVTV, thúc đẩy hệ thống đánh giá rủi ro và giảm thiểu các rủi ro có thể có trong quá trình sử dụng các công cụ BVTV.
Thông qua quan hệ đối tác công-tư, khung pháp lý tiến bộ và các công nghệ cải tiến, CropLife Quốc tế đặt mục tiêu hỗ trợ nông dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước triển khai chương trình, trong việc đối phó với những mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, mở đường cho việc áp dụng các công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu về các giải pháp thay thế và thực hành canh tác bền vững hơn như áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Bà Emily Rees, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CropLife Quốc tế, cho biết: "Với tình trạng nóng lên toàn cầu, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ an ninh lương thực là những thách thức phức tạp và có mối liên hệ chặt chẽ. Chúng phải được giải quyết một cách toàn diện, bao quát và trên mọi khía cạnh. Chương trình SPMF là một công cụ với cách tiếp cận toàn diện như vậy".
Bà Emily Rees cũng bày tỏ lòng biết ơn tới nhiều đối tác và chính phủ đã hỗ trợ triển khai chương trình SPMF trong suốt 3 năm qua, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi không thể thực hiện điều này một mình. SPMF là một chương trình dài hạn đầy tham vọng và các đối tác là những nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực của chúng ta một cách bền vững".