Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm 29/5 cho biết, khoảng 20 đường hầm được Hamas sử dụng để buôn lậu vũ khí vào Gaza cũng đã được tìm thấy trong khu vực biên giới Gaza-Ai Cập được gọi là Hành lang Philadelphi.
Truyền hình Ai Cập dẫn các nguồn tin phủ nhận điều này và cho biết Israel đang cố gắng biện minh cho hoạt động quân sự của mình tại thành phố Rafah ở phía nam Gaza. Những thông báo trên được đưa ra trong thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Israel và Ai Cập.
Người phát ngôn của IDF, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết hôm thứ Tư 29/5 rằng: “Trong những ngày gần đây, quân đội IDF đã thiết lập quyền kiểm soát hoạt động trên Hành lang Philadelphi, ở biên giới giữa Ai Cập và Rafah”.
Ông mô tả hành lang này là "huyết mạch" của Hamas, qua đó nhóm này "thường xuyên buôn lậu vũ khí vào Dải Gaza".
Ông cho biết quân đội Israel đang "điều tra... và vô hiệu hóa" các đường hầm của Hamas trong khu vực.
Tờ New York Times đưa tin, ông Hagari sau đó tuyên bố với các phóng viên rằng, ông không thể chắc chắn rằng tất cả các đường hầm đều đi qua Ai Cập.
Ai Cập trước đây cho biết họ đã phá hủy các đường hầm xuyên biên giới, khiến mọi hoạt động buôn lậu vũ khí đều không thể thực hiện được.
Một nguồn tin "cấp cao" của Ai Cập cáo buộc Israel "lợi dụng những cáo buộc trên để biện minh cho việc họ tiếp tục tấn công vào thành phố Rafah và kéo dài chiến tranh vì mục đích chính trị".
Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành, ít nhất 36.170 người đã thiệt mạng trên khắp Gaza kể từ khi cuộc chiến tranh đẫm máu với Israel nổ ra vào tháng 10 năm ngoái.
Giữa bối cảnh Israel quyết tâm giành chiến thắng ở Rafah, Ai Cập và Trung Quốc cùng ngày (29/5) đã chia sẻ quan điểm chung về tầm quan trọng cốt yếu của việc đạt được lệnh ngừng bắn khẩn cấp và ngay lập tức ở Dải Gaza.
Hai nước đồng thời bác bỏ mọi hành động ép buộc người Palestine phải di dời ra ngoài lãnh thổ của họ.
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm thứ Tư, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi khẳng định việc thực hiện giải pháp hai nhà nước là điều kiện cơ bản để khôi phục ổn định và thiết lập hòa bình, an ninh trong khu vực.
Sau đó, ông Sisi tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết và cấp bách phải chấm dứt chiến tranh ở Gaza. Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng lưu ý về hậu quả nghiêm trọng về nhân đạo, an ninh và chính trị của các hoạt động quân sự của Israel tại thành phố Rafah.
Ai Cập đã liên tục bày tỏ quan ngại về tác động nhân đạo tàn khốc của các hoạt động quân sự của Israel ở Rafah đối với hơn 1,4 triệu người Palestine và những tác động rộng lớn hơn đối với hòa bình và sự ổn định trong khu vực.