Làng Văn hóa du lịch thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang, tỉnh Hậu Giang) nằm cách trung tâm thành phố 5 km là bản người Tày lâu đời còn giữ được những nét riêng, đậm đà bản sắc văn hóa.
Thôn Tha được trời phú cho một dòng suối, tách ra nhiều mạch nguồn từ đỉnh núi Tây Côn Lĩnh chảy về giúp bà con trồng lúa nước hai vụ/năm, lại có sông Lô ở phía tả ngạn giúp bà con có thêm nghề chài lưới.
Người già trong làng vẫn kể cho con cháu rằng, ngày xưa khu vực này là rừng thiêng, tổ tiên từ phương xa tới đây thấy địa hình tốt nên đã quyết định khai hoang, lập làng ở lại.
Bởi nơi đây đất đai màu mỡ, có suối nước tự nhiên trong lành, hai bên bờ rất nhiều cây Dướng (tiếng Tày gọi là mạy Tha), nên bà con đặt tên làng gọi bản theo tên cây ấy.
Cái tên bản Tha ra đời cùng với các bản Lúp, bản Khẻo là những bản đầu tiên người Tày về khai khẩn mở đất ở xã Phương Độ (thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang).
Các cụ luôn nhắc con cháu trong làng rằng mảnh đất này là địa linh của người Tày trong xã, giúp con cháu yên bình sinh sống, lưu truyền văn hóa dân tộc từng bước phát triển cùng thời đại.
Người dân thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang xây bờ đá bảo vệ mó nước.
Các ông ké, bà ké còn kể mãi chuyện lập bản, tổ tiên phát hiện giữa hai ngọn núi lớn tụ lại có một mạch nước ngầm chảy từ lòng đất ra, mùa nào cũng trong vắt, nắng hạn không cạn bao giờ.
Bà con lấy đất be bờ giữ nước, về sau lấy đá quanh đó kè lại thành vũng rồi chặt cây tre làm máng nước để bà con lấy nước và tắm rửa cho thuận tiện.
Mó nước làng lúc nào cũng trong vắt, mùa Đông thì ấm, mùa Hè thì mát; cả làng cùng đem dụng cụ đến hứng nước, gánh về phục vụ ăn uống, tắm giặt.
Từ đó về sau mọi sinh hoạt của dân bản đều phụ thuộc vào nguồn nước sạch này. Những nét văn hóa bản địa của dân tộc cũng từ đây mà sản sinh và lưu truyền cho con cháu.
Mó nước thôn Tha lúc này mang nét tương đồng với giếng làng của người Kinh, Mường dưới miền xuôi.
Theo lệ làng, vào sáng sớm ngày mùng Một Tết Nguyên Đán hằng năm, dân làng cùng nhau đến mó nước để rửa mặt vào dịp đầu năm mới.
Mỗi người khi đi mang theo một thẻ hương, một nhánh hoa đào, một nhành hoa mận, khi rửa mặt đọc câu thần trú “Nả lung bjooc tào, nả khao bjooc mặn” nghĩa là mặt hồng hào như hoa đào, mặt sáng như hoa mận.
Để cầu mong sức khỏe, vẻ đẹp từ nguồn nước trong lành tinh khiết mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân tộc Tày nơi đây. Mó nước thôn Tha ngoài giá trị văn hóa tâm linh, đoàn kết còn là nơi khởi nguồn biểu tượng sinh sôi nảy nở muôn đời của người Tày.
Những đêm trăng sáng ngày xưa, mó nước là nơi con gái trong làng tụ về tắm giặt, biết bao câu chuyện tình yêu, đôi lứa hẹn thề nên đôi nên cặp về cùng một nhà từ gặp gỡ hẹn hò ở mó nước này. Bao nhiêu bài Cọi, bài Then đã ngân lên cùng với giọng ca ngọt ngào của trai thanh gái tú nhờ uống nước mó trời ban.
Có thể nói, mó nước của thôn Tha như một biểu tượng tình cảm thôn xóm gắn kết, cũng là biểu tượng văn hóa của người dân tộc Tày nơi đây.
Sự trường tồn phát triển của thôn đã từ mó nước trong sạch này được duy trì và từng ngày thêm phát huy giá trị không ngừng.
Nhân khẩu của thôn Tha từng ngày được tăng lên, người dân hiền hòa, hiếu khách, biết nhìn xa trông rộng, tâm sáng lòng trong đưa thôn Tha trở thành một trong những Làng văn hóa du lịch tiêu biểu đầu tiên của thành phố Hà Giang cũng như toàn tỉnh.
Hiện nay, do xu thế phát triển của thời đại, ống nước nhựa, mương bê tông đã thay thế cho những mó nước chung của cộng đồng.
Ở các thôn bản khác, mó nước cộng đồng đã không còn được lưu giữ và bảo tồn các giá trị về nguồn nước và văn hóa, riêng thôn Tha vẫn lưu giữ được biểu tượng sinh hoạt cộng đồng dân tộc, đó chính là bảo lưu một giá trị văn hóa để đưa vào phục vụ du lịch càng thêm nét riêng đáng quý.