Thảo luật về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ (Dự thảo) tại Quốc hội sáng 3/6, nhiều đại biểu đồng tình cần có quy định mạnh để răn đe, phòng ngừa tội phạm sử dụng dao để gây án.
Dự thảo luật quy định, ai dùng dao có tính sát thương cao để xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác hoặc gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử lý thêm hành vi tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng.
Điều 3 của Dự thảo giải thích: "Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành".
Cho ý kiến, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) nói cơ bản đồng tình quy định mới nhưng cho hay, luật phải đảm bảo yêu cầu về tính thống nhất, khả thi… nên Dự thảo có một số điểm cần tiếp tục rà soát.
Thứ nhất, liên quan đến phạm vi phân loại vũ khí quân dụng, ông Ba cho rằng, dao có tính sát thương cao hay một số vũ khí thô sơ khác đã được quy định là vũ khí trong luật hiện hành. Vấn đề mới ở đây là dao sát thương cao, trong trường hợp sử dụng với mục đích xâm hại tính mạng, sức khỏe con người thì chuyển thành vũ khí quân dụng.
Đây là cách tiếp cận mới khi cơ quan soạn thảo "lập luận chưa rõ", không đi vào bản chất, tính năng vũ khí mà căn cứ vào mục đích của đối tượng thực hiện hành vi.
Đại biểu Ba cho rằng như vậy khó thực thi trong thực tiễn và: "Nếu đi theo hướng này, cần biện pháp có tính khả thi để lực lượng chức năng không làm oan sai cho người chế tạo, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao. Nguy cơ oan sai là có".
Dự thảo còn cho rằng linh kiện chế tạo vũ khí quân dụng cũng là vũ khí quân dụng. Ông Đồng Ngọc Ba nêu quan điểm, đây là điểm mới nhưng nếu đối chiếu theo Điều 304 Bộ luật Hình sự (tội danh về vũ khí quân dụng, phương tiện quân sự) sẽ "sẽ có vấn đề".
"Chỉ một viên đạn, người ta tàng trữ, vận chuyển sẽ bị xử lý theo Điều 304, không có hành chính. Việc này nhiều chuyên gia cho rằng không hợp lý và không phù hợp với khái niệm tội phạm. Bây giờ, linh kiện chế tạo vũ khí cũng là vũ khí nhưng viên đạn được cấu thành từ thuốc nổ, vỏ đạn, đầu đạn? Trường hợp người ta sản xuất các bộ phận như vậy có bị xử lý theo chế tài vũ khí quân dụng hay là linh kiện?", ông Ba phân tích.
Đại biểu cho rằng, cần phân định rõ, ở đây có sự chồng lấn giữa linh kiện chế tạo vũ khí quân dụng với vật liệu nổ, trong trường hợp linh kiện đó để chế tạo vật liệu nổ. "Thực tiễn có thể vướng, dẫn đến nhầm lẫn, oan sai", ông phát biểu.
Một quy định khác có thể gây oan sai là việc phải khai báo khi mua bán dao hoặc vũ vũ khí, công cụ.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba nói: "Khai báo trước khi sản xuất kinh doanh hay sau khi sản xuất, trong luật không nói rõ. Nếu mua bán thì mọi trường hợp có phải khai báo không, khai báo thế nào khi chỉ mua đi bán lại thôi? Cửa hàng bán dao thì khai báo ra làm sao, ngay khi thực hiện giao dịch hay khai báo theo kỳ hạn? Mặc dù chúng ta có giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng cần làm rõ để tránh xâm phạm quyền của các tổ chức, cá nhân".
Cũng lo về nguy cơ oan sai với người dân, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng cần quy định rõ các trường hợp về dao, tránh ảnh hưởng người dân dùng dao trong sinh hoạt. Bà Thu còn đề nghị dao phẫu thuật trong ngành y không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này.