Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ đêm 4/6, cơ quan khí tượng nhận định, miền Bắc có thể đón một đợt mưa dông diện rộng với cường độ phổ biến là mưa vừa, mưa to đến rất to, thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Khoảng chiều tối ngày 4/6 đến sáng ngày 5/6, mưa tiếp tục gia tăng về cường độ ở miền Bắc. Thời gian này miền Bắc xuất hiện mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 150mm.
Trước khi đón mưa dông, ngày 3/6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, độ ẩm tương đối thấp nhất từ 55-60%.
Do mưa xảy ra sau một ngày nắng nóng nên trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn kéo dài có thể gây lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại nơi trũng, thấp.
Trước đó, miền Bắc đón tháng 5 với nhiều trận mưa lớn. Tổng lượng mưa trong tháng 5 ở miền Bắc cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%, có nơi cao hơn từ 80-100%.
Dự báo trong nửa đầu tháng 6, miền Bắc tiếp tục có mưa nhiều với tổng lượng mưa có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, từ chiều tối 4/6 cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Tây Nguyên và Nam Bộ từ 4/6 cũng có mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và tối, cục bộ có mưa to.
Cơ quan khí tượng nhận định, trong tháng 6, do gió mùa tây nam hoạt động tăng cường nên mưa có khả năng gia tăng hơn cả về diện và lượng mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Thời gian mưa tập trung nhiều vào chiều và tối, đề phòng những cơn mưa lớn gây ngập úng diện rộng.
Trước đó, thông tin trên báo chí, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia) Trần Thị Chúc cho biết, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1 độ C, riêng khu vực Trung và Nam Trung Bộ có nơi cao trên 1 độ so với TBNN cùng thời kỳ.
Đáng lưu ý, trong thời kỳ dự báo, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa, riêng 10 ngày đầu tháng khu vực có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to diện rộng. Tại các khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn cả về diện và lượng.
Do đó, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thời kỳ này cao hơn từ 10-30% so với TBNN, các khu vực khác ở mức xấp xỉ. Đồng thời, bà Trần Thị Chúc lưu ý, trong tháng 6 này, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (bao gồm cả cơn bão số 1 (Maliksi). Về diễn biến nắng nóng, theo bà Chúc, trong 10 ngày đầu của thời kỳ dự báo, ít có khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng. Sau đó, nắng nóng có khả năng gia tăng hơn tại các tỉnh Bắc và Trung Bộ.
Cảnh báo nguy cơ úng ngập, sạt lở đất do mưa lớn tại Bắc Bộ
Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ chiều tối ngày 4/6 đến sáng ngày 5/6, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; với lượng mưa phổ biến từ 40 - 70mm, có nơi trên 150mm.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ và mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, ngày 3/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công văn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ đề nghị tập tủng ứng phó mưa dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh…
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các tỉnh, TP triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.