Ngày 3/6, khi được hỏi về tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng Bắc Kinh đã cố gắng ngăn cản các nước khác tham dự hội nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine. Trung Quốc chưa bao giờ "thổi lửa hoặc đổ thêm dầu vào lửa" - bà nói.
"Cách tiếp cận ngoại giao của Trung Quốc không liên quan đến bá quyền hay ép buộc. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng lập trường của Trung Quốc là công khai, minh bạch và hoàn toàn không gây áp lực lên các nước khác".
Người phát ngôn lưu ý rằng Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Ukraine và vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đồng thời cho biết thêm rằng quan điểm của Trung Quốc về hội nghị hòa bình là rất "cởi mở và minh bạch".
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể nhận được sự hiểu biết và hỗ trợ của tất cả các bên."
Bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6, khi thảo luận về vai trò tiềm năng của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, ông Zelensky cáo buộc Trung Quốc gây áp lực buộc các nước khác tẩy chay hội nghị về Ukraine tại Thụy Sỹ.
Ông bày tỏ lo ngại rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga có thể sẽ kéo dài cuộc chiến và điều đó sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho thế giới.
Ông nói: "Nga, sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, cũng như sử dụng các nhà ngoại giao Trung Quốc, làm mọi cách để phá vỡ hội nghị thượng đỉnh hòa bình".
"Thật đáng tiếc, thật đáng tiếc khi một quốc gia hùng mạnh, độc lập như Trung Quốc lại là công cụ trong tay (nhà lãnh đạo Nga Vladimir) Putin" - ông nói.
Zelensky cũng cảnh báo rằng hành động của Trung Quốc sẽ mâu thuẫn với tuyên bố của nước này về việc duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Nhưng bà Mao Ninh nhấn mạnh, ngay từ đầu, Trung Quốc đã coi trọng việc Thụy Sỹ đăng cai tổ chức hội nghị về Ukraine và đã duy trì liên lạc chặt chẽ với tất cả các bên liên quan, bao gồm cả Thụy Sỹ và Ukraine.
Bà nói thêm rằng đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine vẫn hoạt động đầy đủ và Trung Quốc đã tiếp tục duy trì liên lạc và hợp tác với Ukraine trong suốt cuộc khủng hoảng.
Tại Đối thoại Shangri-La, ông Zelensky còn kêu gọi các nước châu Á tham gia cuộc họp ở Thụy Sỹ. Ông cho biết hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã xác nhận tham dự.
Cuộc họp sẽ tập trung vào các vấn đề chính như an ninh hạt nhân, an ninh lương thực và thả tù nhân chiến tranh, đồng thời được thiết kế để xây dựng kế hoạch hòa bình 10 điểm của Zelensky, nhằm tìm cách khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và yêu cầu quân đội Nga rút lui.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình và cho biết họ đang nỗ lực để đưa Moscow vào cuộc.
Cuối tuần trước bà Mao Ninh nói rằng Bắc Kinh sẽ không cử đại diện vì "việc sắp xếp cho cuộc họp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Trung Quốc và kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế".
Bà nhắc lại sự nhấn mạnh của Trung Quốc về ba yếu tố trong đàm phán hòa bình.
"Trung Quốc luôn khẳng định rằng một hội nghị hòa bình quốc tế phải được cả Nga và Ukraine thông qua, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và tất cả các đề xuất hòa bình phải được thảo luận một cách công bằng và bình đẳng. Nếu không, nó sẽ khó đóng vai trò thực chất trong việc khôi phục hòa bình", Mao nói.
Trước bài phát biểu của Zelensky ở Shangri-La hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc giữ trung lập trong cuộc xung đột, đồng thời nói thêm rằng nước này "không bao giờ cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột".
Trung Quốc vẫn khẳng định rằng họ đang giữ quan điểm trung lập trong cuộc chiến và phủ nhận sự can dự quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột, nói rằng họ không cung cấp bất kỳ viện trợ quân sự nào cho Nga hoặc Ukraine.
Thương mại của Trung Quốc với Nga đã bùng nổ, giúp Nga thoát khỏi sự sụp đổ kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây.