Theo ghi nhận phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê trên thị trường thế giới biến động tăng.
Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2024 được ghi nhận tại mức 4.332 USD/tấn sau khi tăng 1,4%. Các kỳ hạn còn lại đều tăng.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tại New York ở mức 233,90 UScent/pound sau khi tăng 3,24%.
Trong nước, giá cà phê tiếp đà tăng tới 1.500 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Đắk Nông nâng giao dịch lên mức cao nhất là 125.000 đồng/kg. Theo sau đó là hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, cùng ghi nhận ở mức 124.500 đồng/kg. Mức giá thu mua thấp nhất hiện đang có mặt tại tỉnh Lâm Đồng là 123.500 đồng/kg.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 737.797 tấn, thu về 2,5 tỷ USD, tăng 3% về lượng, tăng 53,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức đạt 96.481 tấn, kế đến là Italia đạt 73.907 tấn và Tây Ban Nha đạt 55.364 tấn.
Một số tổ chức uy tín trên thế giới nhận định, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ tới sẽ tiếp tục giảm mạnh, có thể chỉ đạt 24 triệu bao - mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây, dưới tác động của El Nino và suy giảm diện tích canh tác cà phê.
Tốc độ xuất khẩu chậm từ Việt Nam khiến thị trường tiếp tục trong tình trạng thắt chặt nguồn cung, trong khi vẫn còn những lo ngại về vụ mùa tiếp theo do thời tiết thất thường.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính, niên vụ cà phê 2024/25 của Brazil đạt 69,9 triệu bao (loại 60kg), tăng 5,4% so với vụ trước. Trong đó gồm 48,20 triệu bao Arabica và 21,70 triệu bao Robusta. Xuất khẩu cà phê của nước này cũng được USDA dự báo tăng 2,4% so với niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của Honduras trong tháng 5/2024 tăng 13,7% so với cùng tháng năm ngoái.
Điều kiện khó khăn tại các vùng trồng cà phê trọng điểm bao gồm Brazil, Colombia và Việt Nam đang góp phần đẩy giá tăng và có ít dấu hiệu cải thiện. Hạn hán, sương giá và cháy rừng ở Brazil đã gây thiệt hại tới 1/5 diện tích trồng cà phê Arabica và lượng mưa dưới mức trung bình tiếp tục cản trở sản xuất.