Các tuyến đường hậu cần ở châu Âu đã trở thành trọng tâm hàng đầu của Liên minh kể từ khi các nhà lãnh đạo NATO cam kết chuẩn bị 300.000 quân để bảo vệ các nước thành viên trong hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Lithuania vào năm ngoái.
Vì mục đích đó, Liên minh đang phát triển các hành lang trên bộ cho phép quân đội vận chuyển hàng hóa một cách tự do mà không cần áp đặt các hạn chế đối với dân thường.
Kế hoạch hiện tại là quân đội Mỹ sẽ đổ bộ vào các cảng của Hà Lan, đặc biệt là Rotterdam, trước khi được chuyển bằng tàu hỏa xuyên Đức tới Ba Lan.
Nếu các cuộc tấn công của Nga phá hủy các cảng Bắc Âu, một con đường khác đang được chuẩn bị: Đó là thông qua các cảng phía Nam ở Ý, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Mỹ có thể được chuyển từ Ý qua Slovenia và Croatia tới Hungary, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine.
Hiện có các kế hoạch tương tự nhằm chuyển quân từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp qua Bulgaria và Romania.
Theo The Telegraph, kế hoạch chuyển quân qua các cảng Balkan cũng như Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đang được thực hiện.
Theo Trung tướng Alexander Sollfrank,Bộ Tư lệnh Hậu cần Lực lượng Hỗn hợp NATO (JSEC) (do ông lãnh đạo), đã dành 5 năm qua để nghiên cứu các phương pháp tiềm năng để điều động binh lính NATO chống lại Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.
Đồng thời, tướng Sollfrank bày tỏ lo ngại rằng, NATO không có đủ lực lượng phòng không để bảo vệ sườn phía đông của mình.
"Quan sát và đánh giá cuộc chiến của Nga ở Ukraine, chúng tôi nhận thấy Nga đã tấn công các căn cứ hậu cần của Ukraine. Điều đó dẫn đến kết luận rằng rõ ràng là các căn cứ hậu cần khổng lồ, như chúng ta đã biết từ Afghanistan và Iraq, không còn khả thi nữa vì chúng sẽ bị tấn công và tiêu diệt từ rất sớm trong tình huống xung đột", ông Sollfrank nhấn mạnh.