Dân Việt

Hà Nội: Phát hiện kho iPhone không rõ nguồn gốc với số lượng "khủng"

Vũ Khoa 06/06/2024 16:48 GMT+7
Quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra, phát hiện kho hàng quy mô "khủng" tại Sóc Sơn chứa trữ nhiều điện thoại iPhone có dấu hiệu vi phạm.

Clip kiểm tra kho hàng iphone "khủng" tại Sóc Sơn

Sau thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên các nền tảng Thương mại điện tử (Tiktop Shop), ngày 05/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Sóc Sơn tiến hành kiểm tra đột xuất Địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tại địa chỉ số 4, Kho Lăng, Quốc lộ 2, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (trước đây là số 4 dốc Tân Thượng, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Địa điểm kinh doanh trên do ông Nguyễn Ngọc Cương làm Giám đốc.

Hà Nội: Phát hiện kho iPhone không rõ nguồn gốc với số lượng "khủng"- Ảnh 1.

Quy mô kho hàng lên tới hàng nghìn thiết bị điện tử, di động.

Bước đầu kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế chứa trữ lượng lớn hàng hóa thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như điện tử, thời trang, đồ gia dụng. Nhận định sơ bộ tại hiện trường, Đoàn kiểm tra ghi nhận khoảng 2.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động và các loại mặt hàng khác như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo,… do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định.

Hà Nội: Phát hiện kho iPhone không rõ nguồn gốc với số lượng "khủng"- Ảnh 2.

Hà Nội: Phát hiện kho iPhone không rõ nguồn gốc với số lượng "khủng"- Ảnh 3.

Các sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt theo quy định.

Được biết, với khối lượng hàng hóa lớn, đến chiều ngày 6/6/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 10 vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, phân loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để làm cơ sở xử lý theo quy định.

Trước đó, cũng theo thông tin từ Tổng cục, sau 2 tháng đi vào hoạt động, Tổ Thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử với tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỷ đồng.

Đây là bước khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự vào cuộc mạnh mẽ của Tổng cục Quản lý thị trường đối với việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 319 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.