Sáng 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết, công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em yêu cầu phải tìm cách thúc đẩy việc hình thành những đạo luật riêng cho trẻ em bị tố cáo hay bị thừa nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự. Từ đó rất cần thiết phải xây dựng một luật riêng biệt về người chưa thành niên.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các nước trên thế giới đều quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ tâm sinh lý, bộ não chưa phát triển hết, kiến thực pháp luật chưa có. Từ đó khả năng kiểm soát hành vi của các em sẽ kém hơn người trưởng thành. Thậm chí, người chưa thành niên còn "bốc đồng, manh động", muốn trải nghiệm, nên rất dễ trở thành tội phạm.
"Các cháu nhiều khi muốn thử nghiệm một hành vi nào đó, với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, có thể dẫn đến phạm tội. Ở lớp cãi nhau một cái, lấy gậy đánh nhau, các cháu không ý thức được mình đang phạm tội. Hay như đua xe gây rối trật tự, vào siêu thị bốc cái nọ cái kia ăn mà không biết mình đang phạm tội trộm cắp", theo Chánh án.
Mặt khác, theo Chánh án, do kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội đối mặt với hệ thống tư pháp của chúng ta còn nặng lề, các cháu dễ bị tổn thương.
Đối với ý kiến cho rằng "Việt Nam nhân văn quá với các cháu có hành vì phạm tội thì có phải là thả thêm tội phạm ra đường không?", Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải, các nước tiên tiến đã nghiên cứu rất kỹ và kết luận "nếu các cháu phạm tội mà bắt luôn chỉ làm họ chai sạn với nhà tù hơn".
"Khi xử lý nhân văn hơn theo kiểu cứu người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà tù thì tỷ lệ tái phạm giảm hơn 80%", ông Bình nói.
Trong dự thảo luật đề xuất mức hình phạt cao nhất với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi giảm xuống 15 năm thay vì 18 năm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giảm xuống 9 năm tù, hiện là 12 năm.
TANDTC cũng đề xuất bổ sung hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng; tội nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ; mở rộng trường hợp được cho hưởng án treo.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc xử lý như vậy là vừa nghiêm khắc mà vẫn đảm bảo tính chất nhân văn. Với trẻ em sẽ không có án chung thân hay tử hình.
"Mark có câu nói rất nổi tiếng "Tư pháp chậm trễ là tư pháp bất công". Giả sử các cháu vào tình trạng kéo dài thời hạn điều tra 4 tháng, tiếp 4 tháng, rồi lại tiếp 4 tháng nữa như người lớn thì thực chất đã đặt các cháu vào tình trạng tâm lý rất căng thẳng", ông Bình nói.
Lý giải rõ hơn đề xuất không giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên khi có hành vi phạm tội, ông Bình cho hay trong trại giam có rất nhiều tội phạm khác nhau. Bởi thế giam chung người chưa thành niên với tội phạm là người lớn thì các cháu rất dễ bị người lớn đào tạo "thành một tội phạm chuyên nghiệp hơn".
Ngoài ra, Chánh án TANDTC cũng nhấn mạnh quyền của các cháu phải bảo đảm, bao gồm: quyền chơi, quyền thông tin, quyền học tập…
Ông Bình đề nghị các quyền của người chưa thành niên ở trại giam cũng phải được học tập đầy đủ. Nếu trại giam chưa bố trí được lớp học thì cho các cháu học trực tuyến.
Luật Tư pháp người chưa thành niên là luật mới hoàn toàn, đang được Quốc hội lần đầu cho ý kiến. Dự kiến luật sẽ thông qua tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa 15.