Ở hạng mục Phim châu Á dự thi, Chủ tịch Ban giám khảo là đạo diễn, nhà văn Pháp gốc Hoa tên tuổi Đới Tư Kiệt. Thành viên Ban giám khảo gồm: Cựu Giám đốc CineFondation Liên hoan phim (LHP) Cannes Georges Goldenstern (Pháp); Giám đốc LHP Berlin (2019-2024) Meriette Rissenbeek (Đức); diễn viên Trần Nữ Yên Khê và đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm.
Trong danh sách trên, Hà Lệ Diễm là cái tên nhận được sự chú ý và gây bất ngờ cho khán giả. Bởi trong mắt nhiều người cho rằng, Hà Lệ Diễm là một đạo diễn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm ngồi "ghế nóng" chấm giải thưởng về phim. Bộ phim đầu tay của cô là phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương được vinh danh Phim châu Á hay nhất tại LHP DANAFF I.
TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc LHP DANAFF cho biết, mục đích của Ban Tổ chức khi mời Hà Lệ Diễm là mong muốn có tiếng nói của nhà làm phim trẻ Việt Nam kết hợp với các chuyên gia điện ảnh nổi danh trên thế giới. Bà Phương Lan nhận định, đạo diễn Hà Lệ Diễm có đủ bản lĩnh, chuyên môn để tham gia chấm thi hạng mục quan trọng nhất sự kiện.
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm trong vai trò mới tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai.
Là một đạo diễn trẻ, khi làm việc với những tên tuổi điện ảnh trên thế giới, Hà Lệ Diễm có cảm thấy áp lực?
- Thời gian qua, tôi có cơ hội đi nhiều Liên hoan phim. Những đứa trẻ trong sương đã tham gia khoảng 100 LHP. Trong đó LHP DMZ tại Hàn Quốc năm 2019 là một LHP quan trọng với một nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Tại các LHP, tôi có được nhiều sự gợi mở khi có cơ hội xem nhiều phim khác nhau, cả phim tài liệu và phim truyện, tất cả đều là phim mới nhất sản xuất 2 năm vừa qua. Những bộ phim mới nhất trên thế giới mà ở Việt Nam không có cơ hội xem vì vấn đề bản quyền và nền tảng chiếu.
Trong quá trình 2 năm rưỡi tôi có thể hình dung được bức tranh tổng quát của điện ảnh hiện nay nên đối với tôi, việc này không đến mức là một thử thách quá lớn. Tôi được xem rất nhiều phim truyện, tài liệu và cũng vừa được làm giám khảo ở LHP ngắn ở Campuchia. Ở đây, tôi cũng làm việc với các bạn ở Đông Nam Á và cũng thấy ổn khi nói chuyện với các bạn trẻ về các xu hướng điện ảnh hiện nay.
Tôi cũng cảm thấy có khó khăn khi danh sách tham gia hạng mục Phim châu Á dự thi là phim dài. Phim dài khiến khối lượng công việc nhiều hơn. Đồng thời, tôi thấy lo lắng với việc mình phải làm việc với các giám khảo quốc tế sẽ có rất nhiều các quan điểm khác nhau. Tôi nhớ trải nghiệm khi làm việc với các bạn quốc tế ở LHP ngắn ở Campuchia, chúng tôi đã cãi nhau khá nhiều.
Năm nay, 2 phim Việt Nam tham gia hạng mục Phim châu Á dự thi cạnh tranh với các phim quốc tế. Là một đạo diễn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm phim, Hà Lệ Diễm sẽ có tiêu chí chấm giải như thế nào?
- Tôi làm phim tài liệu nhưng xem khá nhiều phim truyện. Tôi cũng có "gu" của mình và dòng phim mình yêu thích. Năm nay, tôi rất vui khi có 2 phim Việt Nam vào vòng tranh giải của hạng mục Phim châu Á dự thi. Tiêu chí chấm giải sẽ dựa vào chất lượng, câu chuyện phim, khả năng đạo diễn, kịch bản, cách quay, cách dàn dựng, diễn xuất của diễn viên và rất nhiều tiêu chí nữa.
Có một bộ tiêu chí chấm giải cụ thể và chúng tôi phải chấm theo. Với nhiều LHP tôi được biết điểm sẽ là tổng điểm của các giám khảo cộng lại, nhưng cũng có LHP, ban tổ chức cũng có quyền đưa ra tiếng nói cùng với BGK.
Hà Lệ Diễm có đề cao tính dân tộc trong tiêu chí của mình khi chấm giải không?
- Một khi phim đã vào vòng châu Á thì thường là những câu chuyện mang tính đặc sắc của một vùng miền, quốc gia nào đấy. Tính dân tộc rất cần nhưng nó sẽ phải có tính quốc tế, có tính nhân loại nữa mới vượt qua ranh giới khác biệt về mặt ngôn ngữ, văn hóa, chính trị. Ví dụ như có những phim mang tính chất dân tộc, dù khác nhau ngôn ngữ, văn hóa nhưng vẫn phải có gì đó chung thì nó mới trở nên phổ biến được. Vì vậy bộ phim vừa đặc sắc kể được câu chuyện riêng biệt nhưng có thể chạm đến trái tim nhiều người thì sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận khán giả hơn. Nếu kể câu chuyện ít liên quan đến nhiều người thì phim sẽ hạn chế hơn.
Trước kia Hà Lệ Diễm từng chia sẻ với Dân Việt rằng, bạn sẽ chỉ làm phim tài liệu với rất nhiều lý do: "Không có kinh phí, thời gian thuyết phục nhà đầu tư, phim truyện có quá nhiều quy tắc phải theo và phải đánh đổi tự do". Vậy hiện giờ bạn có thay đổi suy nghĩ này?
- Tôi là người thích kể chuyện nên nếu thấy câu chuyện có thể kể bằng tài liệu phù hợp thì tôi sẽ chọn làm hình thức này. Với những thời điểm có tính phim truyện mới kể được còn tùy vào câu chuyện có phù hợp phương thức nào thì tôi sẽ chọn phim tài liệu hay phim truyện.
Hiện tại, tôi đang có câu chuyện tôi thích kể nhưng khó kể bằng phim tài liệu. Vì vậy tôi đang có định hướng làm phim truyện. Hơi khó với tôi nên tôi đang học viết kịch bản phim truyện.
Dự án mới của bạn có phải là đề tài về người dân tộc?
- Phim tiếp theo của tôi sẽ về 2 bạn nhỏ ở Tây Bắc vì nó gần gũi với tôi. Tôi hy vọng là mình sẽ làm được.
Xin cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin!
Đạo diễn Hà Lệ Diễm (sinh năm 1991, dân tộc Tày, quê ở Bắc Kạn) tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, từng là học viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng điện ảnh Việt Nam (TPD), học viên khóa phim tài liệu của Varan Việt Nam 2016.
Những đứa trẻ trong sương (Children of The Mist) có buổi chiếu chính thức ra mắt thế giới lần đầu tiên tại "Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam" (IDFA) tháng 11/2021, được xem là Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Tại đây, Hà Lệ Diễm đã đoạt giải "Đạo diễn xuất sắc nhất", giải thưởng cá nhân quan trọng nhất tại liên hoan phim và giải Tuyên dương của ban giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất.
Kể từ đó đến nay, phim đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại Mỹ, Đài Loan, Hà Lan và Singapore, trong danh sách rút gọn 15 phim tài liệu Oscar 2023, trong danh sách 20 bộ phim tài liệu của năm 2022 của tạp chí Paste Magazine, đoạt thêm được 34 giải thưởng và hành trình tới các liên hoan phim vẫn đang tiếp tục với bộ phim này.