Dân Việt

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu nếp xong đi xe có bị phạt nồng độ cồn không?

Quang Trung 10/06/2024 12:53 GMT+7
Bạn đọc đặt câu hỏi, dịp Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu nếp cẩm xong điều khiển xe mà cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn liệu có bị phạt không?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định, người điều khiển ô tô tuyệt đối không được phép sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn; còn đối với xe máy và motor, giới hạn cho phép là không vượt quá 50mg/100ml máu hoặc dưới 0,25mg/1 lít khí thở.

Tết Đoan Ngọ ăn cơm rượu nếp xong đi xe có bị phạt nồng độ cồn không?- Ảnh 1.

Luật sư cho biết, nếu ăn cơm rượu nếp cẩm mà khi đo có nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt. Ảnh: Dân Việt.

Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo bằng ống thở. Trong khi đó, cơm rượu nếp lên men tự nhiên là thực phẩm có chứa cồn.

Do vậy, nếu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông ngay sau khi ăn cơm rượu nếp, khả năng cao sẽ dính lỗi nồng độ cồn.

Vì vậy, tùy vào phương tiện mà cá nhân điều khiển và nồng độ cồn trong người mà mức xử phạt của mỗi cá nhân sẽ khác nhau.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:

Đối với xe máy nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở, người vi phạm bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;

Nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4mg/1 lít khí thở, người vi phạm bị phạt tiền từ 4 đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

Còn điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở, người vi phạm bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đối với xe ô tô: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở, người vi phạm bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4mg/1 lít khí thở, người vi phạm bị phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở, người vi phạm bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Luật sư Khuyên nhấn mạnh, hiện nay vấn đề về vi phạm nồng độ cồn được cơ quan chức năng xử lý rất nghiêm. Vì vậy mọi người khi đã sử dụng rượu bia, hoặc các thực phẩm có cồn thì không nên lái xe.