Trước đó, đại diện Hãng phim Giải Phóng xác nhận với PV Dân Việt về bộ phim Vầng trăng thơ ấu đã được cấp phép phổ biến. Tuy nhiên, hiện tại bộ phim hiện vẫn chưa được chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàn quốc giống như phim Đào, phở và piano.
Chia sẻ với PV Dân Việt vào chiều 11/6, ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng cho biết, hiện Công ty cổ phần phim Giải Phóng đã nộp lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đơn xin cấp phép chiếu rạp, bán vé tương tự phim Đào, phở và piano. Hiện tại, Cục trưởng Cục Điện ảnh đang có chuyến công tác tại châu Âu chưa về nên trong những ngày tới, ông Nguyễn Tiến Hưng sẽ ra Hà Nội để gặp lãnh đạo Cục Điện ảnh để tiến hành những thủ tục cần thiết cho việc này.
Sau khi bộ phim Đào, phở và piano được khán giả quan tâm, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh đã khẳng định, phim Nhà nước được sử dụng để chiếu ở các tuần phim, liên hoan trong, ngoài nước, ở trung tâm văn hóa các tỉnh thành, chiếu miễn phí trên truyền hình.
Theo ông Thành, Nhà nước không thể lấy phim tư nhân để chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, do không có tiền mua bản quyền. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay chỉ đặt hàng sản xuất, không có kinh phí phát hành hay tuyên truyền, quảng bá phim. Trước đây, việc phát hành do Fafim Việt Nam đảm nhiệm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp nhiều vấn đề sau cổ phần hóa, hiện ngưng hoạt động.
Ông Thành cũng chia sẻ: "Hiện không có một khung pháp lý nào về việc chia phần trăm cho rạp phát hành phim Nhà nước". Vì thế, sau Đào, phở và piano, Cục Điện ảnh xây dựng nghị định về phát hành, phổ biến phim làm từ ngân sách Nhà nước, đề xuất giao Trung tâm Chiếu phim Quốc gia phát hành nguồn phim này, dự kiến hoàn thiện đề án cuối năm nay.
Đào, phở và piano thuộc chương trình thí điểm phát hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ra rạp tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia với mục đích đo lường khả năng tạo doanh thu của phim Nhà nước. Sau khi tác phẩm được quan tâm, Cục Điện ảnh đã chiếu ở một số rạp tư nhân, những đơn vị đồng ý nộp 100% doanh thu vào ngân sách quốc gia.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết, sau khi xem trailer của Vầng trăng thơ ấu, đã có 100 rạp chiếu phim muốn phổ biến bộ phim tại rạp của mình. Nói về công tác phát hành phim, ông Nguyễn Tiến Hưng cho biết, hãng sẽ đề xuất với Cục Điện ảnh về việc sắp xếp nguồn thu để bù đắp cho các rạp nhận chiếu. Do đó, dự kiến giá vé sẽ thấp hơn so với mặt bằng hiện nay để phim dễ dàng tiếp cận với đông đảo công chúng hơn.
Vầng trăng thơ ấu kể chuyện từ khi ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan đưa hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Côn) vào Huế để ông Sinh Sắc theo nghiệp đèn sách.
Cả gia đình đi bộ từ Nghệ An vào Huế, vượt qua những đồi cát lớn, leo lên những ngọn núi bằng đường mòn, đi thuyền... Trên đường đi, bà Loan tần tảo gánh hành lý, chăm lo cho chồng con. Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé Côn đã luôn lo lắng, động viên, bóp chân cho mẹ.
Khi sống ở nơi đất khách, để chồng chuyên tâm đèn sách, người phụ nữ yêu chồng thương con là bà Loan gồng gánh việc sinh nhai, vừa chăm con vừa ngày đêm dệt vải.
Dù rất hiếu động, có phần nghịch ngợm khiến bố mẹ lo lắng, nhưng cậu bé Côn cũng giàu lòng trắc ẩn, yêu thương tha thiết những người xung quanh mình. Cậu học hỏi đức tính ấy từ mẹ và cha - một sĩ phu yêu nước, chính trực.
Cùng với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, cậu cũng bộc lộ tư chất thông minh, đĩnh đạc, mạnh dạn và ham học hỏi từ nhỏ.
Vì nghiệp học nên ông Nguyễn Sinh Sắc phải xa nhà, đưa hai con trai theo cùng để dạy dỗ. Bà Hoàng Thị Loan ở Huế, mang thai và sinh con khi sức khỏe ngày càng suy giảm đúng lúc mất mùa, đói kém, bắt bớ. Em bé đói sữa khóc ngặt trên tay, cậu bé Côn phải bế em đi xin sữa...
Vầng trăng thơ ấu dành nhiều thời lượng và cảm xúc để khắc họa mất mát lớn trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là khi bà Hoàng Thị Loan qua đời vào năm 1901 vì bệnh nặng, sức yếu.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phim Giải Phóng chia sẻ, trước đây hãng phim Giải Phóng chưa thực hiện phim nào về đề tài Bác Hồ nên cảm thấy thiếu sót.
Về tuổi thơ và thời niên thiếu của Bác, hầu như chưa có phim điện ảnh nào làm nên hãng quyết định triển khai. Ê-kíp thực hiện chọn giai đoạn gia đình Bác từ Nghệ An vào Huế sinh sống và gặp nhiều biến cố nhất.
"Tôi chọn thời điểm này để sau này bộ phim sẽ có giá trị về mặt lịch sử, đồng thời có giá trị giáo dục cao. Bác là người con hiếu thảo, thông minh, có lòng nhân ái từ thuở còn là một cậu thiếu niên.
Tất cả những điều tái hiện trong phim đều dựa trên tài liệu đồng thời thông qua những giai thoại của các nhà sử học đang sinh sống tại Huế" - ông Hưng chia sẻ.
Bộ phim Vầng trăng thơ ấu (tác giả kịch bản: Đặng Thị Thanh Bình, đạo diễn: Hồ Ngọc Xum) là tác phẩm được Hãng phim Giải Phóng sản xuất. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên gồm: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Bạch Công Khanh, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Ali Quang Khải, Bùi Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Hồ Nhật Minh, Trần Đức Tuấn Hùng...